Máy bán hàng tự động truyền thống chủ yếu chấp nhận tiền mặt, tuy nhiên việc sử dụng chúng đang trên đà suy giảm. Từ năm 2017 đến năm 2022, thị trường máy bán hàng dùng tiền mặt đã giảm 14% tại Nhật Bản và 17% tại Mỹ. Đức và Pháp cũng chứng kiến xu hướng tương tự. Thời đại của những máy bán hàng tự động thông minh hơn đã đến.
MUA HÀNG TỰ ĐỘNG VÀ KHÔNG TIỀN MẶT
Tại Trung Quốc, số lượng máy bán hàng tự động thông minh chấp nhận thanh toán di động đang gia tăng mạnh mẽ, được lắp đặt chủ yếu ở các ga tàu. Máy chấp nhận thanh toán qua Alipay, WeChat Pay và thậm chí qua nhận dạng khuôn mặt.
Công ty Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology mới đây đã cho ra mắt một máy bán hàng mà bên trong có cả một robot chuẩn bị đồ uống đằng sau một cửa sổ. Máy bán hàng này đã được lắp đặt ở khoảng 30 thành phố của Trung Quốc và xuất khẩu sang 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Malaysia.
Tại Thâm Quyến, những chiếc máy bán hàng tự động tại đây đã không chỉ biết bán nước ngọt hay đồ ăn vặt, mà đã phát triển thành những cửa hàng tiện lợi mini. "Trước đây, nhu cầu của khách hàng khi đến với những chiếc máy bán hàng tự động vô cùng đơn giản. Giờ đây, họ mua đủ thứ trên đời, từ thuốc chữa bệnh cho đến cây cảnh, quần áo và đồ công nghệ", Larry Song, hiện đang là quản lý tại Thintop Technology, nhà sản xuất máy bán hàng tự động tại Thâm Quyến, Trung Quốc, cho biết.
Tại Nhật Bản - đất nước nổi tiếng về máy bán hàng tự động, công nghệ máy bán hàng đã phát triển lên đến tầm cỡ lưu động. Đó là loại máy bán hàng mới kiểu xe ô tô không người lái vừa được Tập đoàn Kyocera phát triển. Xe bán hàng tự động có thể di chuyển với tốc độ khoảng 15km/h theo một lộ trình định trước trên các tuyến đường trong thành phố, đặc biệt là xung quanh các khu vực có thể có nhiều nhu cầu mua sắm như công viên hoặc khu chung cư. Xe có gắn bảng cảm ứng để lựa chọn hàng và hệ thống thanh toán có thể tải về điện thoại thông minh.
Trong khi đó, nhà sản xuất nước giải khát hàng đầu Nhật Bản Asahi Soft Drinks đang thử nghiệm các máy bán hàng tự động có khả năng hấp thụ khí CO2 từ khí quyển. Họ đang thí điểm khoảng 30 máy bán hàng tự động loại mới này và có kế hoạch mở rộng quy mô từ năm 2024.
Theo Asahi Soft Drinks, các máy bán hàng tự động thông thường hút không khí xung quanh và chuyển đổi thành không khí lạnh hoặc nóng thông qua hệ thống điều hòa không khí. Tuy nhiên, mẫu máy bán hàng tự động mới này có thiết kế đặc biệt, cho phép chúng lọc và hấp thụ khí CO2 trong khí quyển mà không ảnh hưởng đến chức năng khác của máy.
Theo Nikkei Asia, máy bán hàng tự động cũng đang lan rộng ở Thái Lan với chức năng nhận đơn đặt hàng qua bảng điều khiển cảm ứng và chấp nhận thanh toán di động. Tính đến cuối tháng 6, khoảng 6.000 máy Tao Bin đã được lắp đặt tại các nhà ga hoặc chung cư trên toàn Thái Lan, bán ra 200.000 đồ uống mỗi ngày. Một máy có thể pha chế tới 170 loại đồ uống khác nhau, giá dao động từ 15 đến 65 Baht (40 Cent đến 1,9 USD). CP All - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan, mới đây đã trình làng máy bán đồ ăn nhẹ và bữa trưa đóng hộp tại hơn 10.000 cửa hàng 7-Eleven nhằm giải quyết bài toán chi phí lao động tăng cao.
Bên cạnh đồ uống hay thực phẩm, Công ty SmartRx có trụ sở tại Singapore đã ra mắt máy bán thuốc tự động theo toa vào tháng 3 vừa qua. Bệnh nhân có thể trò chuyện với bác sĩ từ xa và nhận đơn thuốc ngay tại chỗ. Máy bán thực phẩm chức năng và các loại vitamin cũng đã có mặt tại Malaysia. Công ty YesHealth đã lắp đặt hơn 30 máy kể từ tháng 3/2022 và có kế hoạch mở rộng lên 100 địa điểm trong tương lai gần. Theo ghi nhận của Hãng tin CNA, giá cả của các loại thuốc ngang bằng với các nhà thuốc bán lẻ khác, thậm chí có một số sản phẩm trong máy được bán với giá rẻ hơn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2023 phát hành ngày 24-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam