February 27, 2023 | 18:32 GMT+7

Miền Tây Nam Bộ bước vào mùa cao điểm hạn mặn

Hoài Niệm -

Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thuộc Ủy ban sông Mekong (VNMC) cho hay, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong trong tháng 02/2023 có xu hướng giảm, ở mức thấp hơn hoặc tương đương trung bình nhiều năm…

Hàng ngàn diện tích lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại do hạn mặn xâm nhập hàng năm.
Hàng ngàn diện tích lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại do hạn mặn xâm nhập hàng năm.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang vào cao điểm mùa khô, dòng chảy 2023 đang tiếp tục sụt giảm (dòng chảy kiệt), nước mặn vì vậy sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, nhất là các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang…

HẠN, MẶN ĐẾN SỚM VÀ CÓ KHẢ NĂNG KÉO DÀI

Số liệu khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (SIWRR) cho biết, hiện nay với nồng độ 4g/l, độ mặn có thể xâm nhập sâu 45 - 60 km, và nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường thì độ mặn có khả năng sẽ xâm nhập sâu hơn 50 – 65 km.

Tại hai trạm quan trắc ở đầu nguồn hai chi lưu lớn nhất của sông Mekong chảy vào Việt Nam, là trạm Tân Châu trên sông Tiền và trạm Châu Đốc trên sông Hậu, ghi nhận cho thấy tổng lưu lượng nước ngày về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 02/2023 sẽ biến động theo xu hướng giảm dần từ khoảng 6.000 m3/s xuống 4.500 m3/s...

 

El Niño – Dao động phương nam là hiện tượng khí hậu đơn lẻ biến động định kỳ giữa ba pha: trung tính, La Niña, hoặc El Niño. La Niña và El Niño là hai pha đối lập đòi hỏi những thay đổi nhất định diễn ra ở cả đại dương và khí quyển trước khi một sự kiện được tuyên bố. Giai đoạn nhiệt độ nước biển ấm hay pha nóng được gọi là El Niño còn pha lạnh gọi là La Niña.

Trong khi đó, nhận định về tình hình đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023, VNMC cho biết: Tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô (từ đầu năm đến hết tháng 5/2023) đạt từ 67- 75 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm (78 tỷ m3) và cùng kỳ năm 2022 (84 tỷ m3).

Cũng theo SIWRR, thời điểm hiện tại, El Niño - Dao động phương nam (ENSO) đang ở pha lạnh, trạng thái La Nina dự báo yếu ở giai đoạn đầu năm 2023. Từ đầu năm đến tháng 3/2023, xác suất La Niña và ENSO trung tính là 50/50%. Khả năng ENSO trung tính kéo dài sang giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2023, trong khi El Nino vẫn ở mức thấp, khoảng 49% cơ hội. 

Mặt khác, dòng chảy kiệt lại phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn mà dự báo dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long giảm nhanh trong các tháng đầu mùa khô cuối năm 2022 và tăng mạnh vào các tháng đầu năm 2023.

Nông dân ĐBSCL làm túi trữ nước ngọt tại vườn phục vụ tưới tiêu.
Nông dân ĐBSCL làm túi trữ nước ngọt tại vườn phục vụ tưới tiêu.

Ở thượng nguồn, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, TP. Cần Thơ thuận lợi hơn về nguồn nước. Dự báo đến hết tháng 02/2023, mực nước ở thượng nguồn bình quân cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 10 – 20 cm. Trong khi đó ở vùng giữa đồng bằng sông Cửu Long gồm phần đất thuộc Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và các vùng được kiểm soát mặn ở Bến Tre,Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, các vùng ven sông Tiền và sông Hậu, có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường đến hết tháng 02/2023.

Riêng vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, gồm Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Dự báo từ tháng 3/2023, mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ và có thể xâm nhập sâu 65 -75 km.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Cơ quan chuyên môn đã khuyến nghị các địa phương cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập các bản tin dự báo thường xuyên. Cần lên kế hoạch lấy nước luân phiên cho phù hợp, tránh xảy ra trường hợp khan hiếm nước cục bộ, tạo điều kiện cho mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng.

Cụ thể, vùng thượng nguồn và vùng giữa lưu vực sông Cửu Long, nguồn nước cơ bản thuận lợi; vì vậy cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước. Trong khi đó, vùng hạ nguồn và đuyên hải, xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công (Tiền Giang), phía bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật (Dự án âu thuyền ngăn mặn WB11).

Bến Tre là một trong năm địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm gần đây, gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau; trong đó vùng trồng trái cây ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành cao cao điểm các đợt hạn mặn chịu thiệt hại nặng nề.

Bến Tre quan tâm công tác quản lý, bảo vệ vùng nước ven biển. Ảnh: Thanh Bạch.
Bến Tre quan tâm công tác quản lý, bảo vệ vùng nước ven biển. Ảnh: Thanh Bạch.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, tình trạng xâm nhập mặn mùa khô 2022  -2023 xảy ra sớm hơn trung bình các năm. Từ nửa cuối tháng 12, hạn mặn bắt đầu xâm nhập vào khu vực gần cửa sông. Độ mặn cao nhất và xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào hai tháng 2 và 3/2023. Dự báo độ mặn 4‰ có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 45 - 57 km; độ mặn 1‰ có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 54 - 68 km.

Trước tình hình đang bước vào cao điểm hạn mặn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Cấp thoát nước, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre tăng cường cảnh giác, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tại Sóc Trăng, Chi cục Thủy lợi tỉnh này cho biết, tình hình xâm nhập mặn đã diễn biến phức tạp, độ mặn trên các tuyến sông Hậu, sông Mỹ Thanh có xu hướng tăng cao trong các đợt triều cường. Cơ quan này cũng đã lưu ý người dân tích trữ nước phục vụ cho việc tưới tiêu, các cống ngăn mặn vùng dự án Long Phú – Tiếp Nhựt đã đóng. Các thông tin dự báo, cảnh báo, số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm đến lãnh đạo địa phương và thông tin qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… để người dân biết và chủ động ứng phó…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate