Nghị quyết 152/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2021 vừa được Chính phủ ban hành đã yêu cầu các bộ liên quan tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng một số luật trong đó có Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh các giao dịch điện tử trong giao dịch thương mại, dân sự, kinh tế, tạo khung pháp lý ổn định cho các hoạt động giao dịch điện tử được áp dụng rộng rãi, nhưng cũng cần đánh giá kỹ tác động về phạm vi các loại giao dịch điện tử để bảo đảm tính khả thi và kiểm soát được.
Theo đó, với đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật để có các chính sách mới phù hợp; không để khoảng trống pháp lý vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Nghị quyết yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh các giao dịch điện tử trong giao dịch thương mại, dân sự, kinh tế, tạo khung pháp lý ổn định cho các hoạt động giao dịch điện tử được áp dụng rộng rãi, nhưng cũng cần đánh giá kỹ tác động về phạm vi các loại giao dịch điện tử để bảo đảm tính khả thi và kiểm soát được.
Cùng với đó cần hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, thúc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt cần tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu về thông tin cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng; có lộ trình và giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.
Các chính sách về quản lý dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số trực tuyến cần được phân tích kỹ tác động, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật này, tập trung vào các chính sách quản lý giao dịch điện tử trên nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến, hạn chế các tác động tiêu cực của các dịch vụ này đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
Các chính sách cụ thể cần được dự báo phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, thống nhất với pháp luật hiện hành và tránh chồng lấn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành. Nghị quyết cũng yêu cầu rà soát các chính sách về nền tảng lớn, nền tảng đặc thù, nền tảng của nước ngoài sử dụng tại Việt Nam và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, quy định chặt chẽ, thống nhất với pháp luật có liên quan…