September 07, 2022 | 18:50 GMT+7

Mobile virtual network operators tipped to grow

Nhĩ Anh -

The Ministry of Information and Communications (MoIC) has licensed four mobile virtual network operators (MVNO) in Vietnam, with the number of subscribers accounting for about 1.2 per cent of the telecommunications market. The MVNO market in the country is forecast to account for 10-15 per cent of the telecommunications market, or 15-20 million subscribers.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết đến nay Cơ quan này đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp MVNO tại Việt Nam. Số lượng thuê bao của các nhà mạng này đang chiếm khoảng 1,2% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy còn rất nhiều dư địa tăng trưởng cho các nhà mạng MVNO. MVNO chưa phát huy hết tiềm năng của thị trường tại Việt Nam. So với thế giới, cứ 1 MNO (nhà mạng sở hữu hạ tầng) thì có 2 MVNO (nhà mạng không có băng tần, hạ tầng mạng, mà phải đi thuê hạ tầng của mạng MNO). Số lượng trung bình thuê bao của MVNO trên thế giới năm 2019 chiếm khoảng 5% số lượng thuê bao của MNO và đang có xu thế ngày càng tăng.

Các thống kê trước đó cho thấy, Trung Quốc có 62 mạng ảo với số thuê bao khoảng 75 triệu. Trong đó con số này ở Đức là 132 mạng với 54 triệu thuê bao; Mỹ có 32 mạng với 51 triệu thuê bao, Nhật Bản có 22 mạng, Pháp có 57 mạng, Anh có 29 mạng... Trung bình trên thế giới thị phần thuê bao của MVNO chiếm từ 15-20% và đang có dấu hiệu tăng. Theo Fortune Business Insights, dự kiến doanh thu của MVNO đến năm 2028 sẽ khoảng 123,4 tỷ USD.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng dư địa phát triển của MVNO chính là khi chuyển đổi số, nhu cầu sử dụng dịch vụ số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí ngày càng tăng. Cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp ở các mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, giải trí... đã có sẵn tập khách hàng kết hợp với MVNO hoặc trở thành MVNO để triển khai các dịch vụ mới khai thác các thị trường ngách mà MNO hiện nay chưa thể tiếp cận hoặc tiếp cận một cách không có lợi thế trước đó.

Được biết, 4 nhà mạng MVNO được cấp phép tại Việt Nam đến thời điểm này gồm: I-Telecom (đầu số 087) của Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom, Reddi, Local (Công ty Cổ phần viễn thông ASIM. Ngoài ra, Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam (thuộc VNPAY) cũng đã được cấp phép cung cấp mạng viễn thông di động ảo trên toàn quốc.

THUÊ BAO MVNO CÓ THỂ CHIẾM 15% THỊ PHẦN?

Một nhà mạng MVNO cho rằng, thị trường mạng di động ảo còn rất nhiều tiềm năng. Cơ hội mới mở ra còn lớn hơn rất nhiều với các nhà mạng khi thời gian tới bùng nổ hoạt động liên quan đến chuyển đổi số. Nếu tạo điều kiện cho thị trường mạng di động ảo phát triển tối ưu, với sự tham gia của các doanh nghiệp ở các mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, giải trí... đã có tập khách hàng người dùng và nội dung sẵn, thị trường MVNO tại Việt Nam có thể chiếm 10-15% thị phần viễn thông, tương ứng với 15-20 triệu thuê bao.

 
Dư địa phát triển của MVNO chính là khi chuyển đổi số, nhu cầu sử dụng dịch vụ số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí ngày càng tăng. Cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp ở các mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, giải trí... đã có sẵn tập khách hàng kết hợp với MVNO hoặc trở thành MVNO để triển khai các dịch vụ mới, các thị trường ngách...

Hiện nay, 3 nhà mạng lớn như: Viettel, VNPT- Vinaphone, MobiFone đang chiếm khoảng 96%-97% thị trường di động. Các nhà mạng đã đầu tư hạ tầng viễn thông nhưng hiệu suất khai thác chưa tối ưu và vẫn còn những lĩnh vực như thị trường ngách chưa được khai thác hiệu quả.

Chia sẻ với VnEconomy về cơ hội thị trường với các nhà mạng MVNO, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần viễn thông ASIM (Asim Telecom) - đơn vị phát triển mạng di động Local cho rằng, tiềm năng tăng trưởng riêng với data có thể ở mức 4% và tỷ lệ rời mạng mỗi năm khoảng 10,9%.

Với tỷ lệ khoảng 15%, đồng nghĩa với việc mỗi năm sẽ có khoảng 20 triệu thuê bao mới để các nhà mạng MVNO hướng tới. Đây là một thị trường mới bắt đầu, rất tiềm năng và còn nhiều cơ hội cho các MVNO, ông Trí nói.

Tuy nhiên, theo ông Trí, sự thành công của MVNO phụ thuộc vào chiến lược của các nhà mạng này tập trung định hướng rõ ràng vào khai thác thị trường phù hợp, có sản phẩm đủ tốt để chinh phục thị trường không và sự kiên định đầu tư trong thời gian dài...

Mô hình MVNO hiện khá đa dạng, tập trung chủ yếu vào các thị trường ngách như mạng dành cho doanh nghiệp, dịch vụ IoT, giải trí… Theo chia sẻ của một nhà mạng, các đối tượng khách hàng học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp là một mảng thị trường ngách đang rất tiềm năng, mở ra cơ hội để các MVNO hướng phục vụ, khai thác, tăng trưởng. Hiện nay, những khách hàng này đang phải dùng data với giá khá đắt.

Một trong những lợi thế, cơ hội mà các nhà mạng MVNO đang có chính là số đẹp. Nhà mạng nào có kho số mới thì sẽ có sim số đẹp (ngày tháng năm sinh…) và sẽ hút được thuê bao mới sử dụng dịch vụ, thậm chí chuyển sang dùng làm thuê bao chính.

Như vậy, Việt Nam đã có 4 đơn vị tham gia thị trường MVNO và có thể trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm tên tuổi mới. Một số ý kiến cho rằng, mỗi nhà mạng MVNO cần quy hoạch rõ ràng ở những lĩnh vực riêng để có thể cung cấp dịch vụ, giúp khai thác, phát triển tối đa dung lượng hạ tầng. Khi đó, các nhà mạng MVNO sẽ có đất để phát triển và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh về giá cả, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dùng.

 
Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến tháng 7/2022, tổng số thuê bao điện thoại di động có phát sinh lưu lượng là 125.725.712 thuê bao; trong đó thuê bao di động đang hoạt động có sử dụng dữ liệu là 81.875.959.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate