December 19, 2022 | 15:10 GMT+7

Mỗi ngày có khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia

Đỗ Phong -

Tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) năm 2022 tăng trưởng đột biến, ước đạt khoảng 860 triệu giao dịch, gấp 4,8 lần năm 2021...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết trong năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 ước thực hiện 100%, đạt kế hoạch năm 2022 và tăng 4% so với năm 2021.

Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ tính đến ngày 20/11/2022 là 77,1%, tăng 35,65% so với cùng kỳ năm 2021. Dự đoán số liệu thực đạt được đến hết năm 2022 đạt khoảng 80%, bằng 100% so với chỉ tiêu đặt ra.

Mỗi ngày có khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia - Ảnh 1

Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính ước thực hiện năm 2022 đạt 52,8%, vượt 2% so với kế hoạch năm 2022 và tăng 17,5% so với năm 2021.

Đối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ số. Nền tảng NDXP hiện đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trong đó có 8 cơ sở dữ liệu và 12 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

Theo thống kê, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP tính từ đầu năm 2022 đến ngày 8/12/2022 đạt khoảng 806 triệu lượt giao dịch. Trung bình mỗi ngày khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch. Ước tính đến hết năm 2022, số giao dịch đạt 860 triệu giao dịch, gấp 4,8 lần so với năm 2021.

Mỗi ngày có khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia - Ảnh 2

Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương là khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt 9%.

Do đó trong thời gian tới sẽ tập trung đôn đốc, hỗ trợ khắc phục các vướng mắc, thúc đẩy việc cung cấp dữ liệu mở, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trong năm 2023, bộ đặt mục tiêu tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 60%. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 90%. Tổng số giao dịch thực hiện qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia lớn hơn 860 triệu giao dịch. Cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 60%.

Một số chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023
Một số chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023

Định hướng đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử của Việt Nam vào Top 50; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; Số lượng giao dịch qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia lớn hơn 860 triệu giao dịch và tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, nhằm huy động nhiều nguồn lực xã hội vào công tác nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, đến nay Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tính đến ngày 20/11/2022, đã có 46/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã. Trên cả nước đã có 68.933 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập với tổng số 320.839 thành viên tham gia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate