December 18, 2022 | 15:01 GMT+7

Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu

Nhĩ Anh -

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; trong đó có dữ liệu đất đai, nhà ở...

Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023
Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông.

KINH TẾ SỐ ĐÓNG GÓP KHOẢNG 14,26% GDP

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, ngành thông tin và truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành thông tin và truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so năm 2021 và gấp 1,5 lần so dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước.

Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỉ trọng khoảng 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.

Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu - Ảnh 1

Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021.

Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu - Ảnh 2

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Bộ sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam vì tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung triển khai các chiến lược được ban hành, xây dựng các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược...

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi "mở cõi". "10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang "Make in Việt Nam".

DỮ LIỆU- YẾU TỐ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Biểu dương những thành quả của ngành Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư đang diễn ra mạnh mẽ. "Truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số".

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, những điểm cần cố gắng hơn nữa. Trước hết, nhận thức và tổ chức thực hiện công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông chính sách để người dân hiểu, tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng thành quả từ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số".
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số".

Chuyển đổi số dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa tạo sự đột phá về tư duy, nhận thức, hành động và sản phẩm cụ thể. Kinh tế số chủ yếu là sản xuất điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Dịch vụ viễn thông, nền tảng số và kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính chưa nhiều; dữ liệu- yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất…

Số lượng nền tảng số Việt Nam còn hạn chế, chất lượng thấp. Doanh nghiệp công nghệ số phần lớn có quy mô nhỏ, số doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài chưa nhiều.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số đang len lỏi vào tất cả các góc cạnh của cuộc sống, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII: "Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa".

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng về chuyển đổi số, trong đó có việc xây dựng chiến lược sản xuất chip. Ông kêu gọi chung tay chuyển đổi số lành  mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số bao trùm và toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số.

Cơ bản đồng tình, đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp đúng và trúng được Bộ xác định cho năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải đặt trong bối cảnh đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, phải bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Cùng với đó tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới,  hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông. Thủ tướng giao ngành thông tin và truyền thông và ngành điện lực thực hiện nhiệm vụ này, "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; trong đó có dữ liệu đất đai, nhà ở...

Theo đó, dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn đầu tư xã hội và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế. Phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Cùng với đó thúc đẩy thương hiệu "Make in Việt Nam", phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới…

Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng, thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường truyền thông chính sách, thông tin về các nhân tố tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate