February 15, 2023 | 19:36 GMT+7

Mối quan hệ thân thiết Việt Nam – Nhật Bản khiến doanh nghiệp Nhật Bản rất yên tâm

Vũ Khuê -

Ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong, cho rằng ngoài sức hấp dẫn là cứ điểm sản xuất từ trước tới nay, Việt Nam đang trở thành quốc gia rất hấp dẫn để mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp với doanh nghiệp Nhật Bản...

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: "Việt Nam – Nhật Bản còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau". Ảnh Vũ Khuê.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: "Việt Nam – Nhật Bản còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau". Ảnh Vũ Khuê.

Ngày 15/2/2023, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức “Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững” nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong.

Diễn đàn là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động VCCI sẽ phối hợp cùng với các đối tác Nhật Bản triển khai trong năm 2023 nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU ĐÃ LÊN 50 TỶ USD

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, sau 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện.

Nhật Bản giữ vị trí nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.835 dự án vào Việt Nam với tổng vốn trên 64 tỉ USD. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn tương lai 30, 50 năm tới, hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Mối quan hệ thân thiết Việt Nam – Nhật Bản khiến doanh nghiệp Nhật Bản rất yên tâm - Ảnh 1

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục 6-7% mỗi năm, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cùng phát triển.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh, chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Hai bên cũng đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục…

Trong lĩnh vực đầu tư, dòng vốn FDI từ Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với 4.978 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 69 tỷ USD tính đến tháng 12/2022.

Đáng chú ý, các dự án quy mô lớn mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam như Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo… đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, hoạt động hiệu quả.

Đề cập đến tình hình phát triển của Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng cho biết, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục mới 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước là 3,32 tỷ USD)… Quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt 409 tỷ USD, quy mô thương mại thuộc nhóm 30 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.

Việt Nam cũng đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Giữa lúc kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế. Một trong những ví dụ điển hình là năm 2022, vốn đầu tư thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.

Với những kết quả thu hút đầu tư tích cực, lần đầu tiên, Việt Nam được Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu trên thế giới. Năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lần lượt là 6,2 và 6,7%.

Phó Thủ tướng nhận định, để đạt được những thành tựu trên, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao của Việt Nam, còn có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả và hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong đánh giá cao mối quan hệ thân thiết giữa hai quốc gia và cho rằng, mối quan hệ này thực sự khiến doanh nghiệp Nhật Bản rất yên tâm. Để đảm bảo chuỗi cung ứng trước những rủi ro địa chính trị gia tăng gần đây, nhiều công ty Nhật Bản một lần nữa lại quan tâm tới Việt Nam và các nước Asean khác.

Ngoài sức hấp dẫn là cứ điểm sản xuất từ trước tới nay, Việt Nam với tư cách là một quốc gia tiêu dùng với dân số gần 100 triệu người, phần lớn là người trẻ tuổi, Việt Nam đang trở thành quốc gia rất hấp dẫn để mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp với doanh nghiệp Nhật.  

ĐẶT NỀN MÓNG CHO NHỮNG BƯỚC TIẾN LỚN TIẾP

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam – Nhật Bản còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau. Để góp phần phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn. Đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Mối quan hệ thân thiết Việt Nam – Nhật Bản khiến doanh nghiệp Nhật Bản rất yên tâm - Ảnh 2

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thương mại CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương  theo hướng cân bằng.

Theo Phó Thủ tướng, hai bên cần triển khai nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam; và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Đáp lời Phó Thủ tướng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ông Yamada Takio cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động rất sôi nổi tại Việt Nam, trên 200 doanh nghiệp – là nước có số doanh nghiệp lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo khảo sát của Jetro, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới sau Hoa Kỳ với tư cách là quốc gia sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong tương lai. Ngoài ra, một khảo sát khác cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Đây là con số cao nhất – vượt xa mức trung bình của Asean là 47%. Chứng tỏ mức độ sẵn sàng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam vẫn là lớn nhất.

Năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, với chủ đề “Tay cầm tay hướng tới tương lai, hướng ra thế giới”, ông Yamada Takio cho rằng hiện nay có một luồng gió xuôi chiều rất thuận lợi đang thổi vào Việt Nam.

“Tôi mong muốn biến dịp kỷ niệm 50 năm này thành năm đặt nền móng cho những bước tiến lớn trong mối quan hệ hai nước trong tương lai với thế giới”, Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate