Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ - bác sĩ Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Đại học Harvard, cho biết: “Thay đổi cách chúng ta ăn có thể giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Và những gì lành mạnh nhất cho hành tinh cũng là lành mạnh nhất cho con người”. Nghiên cứu này đã phân tích dữ liệu sức khỏe từ hơn 200.000 người tham gia vào các nghiên cứu đoàn hệ dài hạn, theo dõi chế độ ăn uống của họ trong thời gian dài, thậm chí có trường hợp kéo dài hàng thập kỷ.
Kết quả đã phát hiện, những người tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn bền vững với ngũ cốc nguyên hạt có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn đến 30% so với những người ít tuân thủ hơn, theo Eating Well. Việc giảm mạnh tỷ lệ tử vong này bao gồm nhiều nguyên nhân gây tử vong sớm, như ung thư, bệnh tim và bệnh phổi. Điều này nêu bật tác động sâu sắc của chế độ ăn uống đối với sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí The American Journal of Clinical Nutrition (Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ) góp phần củng cố các ý kiến cho rằng tuân thủ một mô hình ăn kiêng có lợi cho sức khỏe và sự bền vững của hành tinh có liên quan đến việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở người do mọi nguyên nhân.
Cứ 4 năm 1 lần trong 34 năm, những người tham gia nghiên cứu điền vào bảng câu hỏi về chế độ ăn uống, cung cấp cho các nhà nghiên cứu một lượng dữ liệu khổng lồ. Giáo sư Willett khẳng định đây là nghiên cứu lớn và lâu dài, đánh giá lặp đi lặp lại chế độ ăn uống trong hơn 3 thập kỷ, mang lại độ chính xác thống kê cao hơn. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những người tuân thủ chặt chẽ nhất chế độ ăn bền vững có nguy cơ tử vong do thoái hóa thần kinh thấp hơn 28%, nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn 14%, nguy cơ tử vong vì ung thư thấp hơn 10% và nguy cơ tử vong vì bệnh hô hấp thấp hơn 47%.
Trong nghiên cứu mới khác, được trình bày tại Nutrition 2024, cuộc họp thường niên của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ hôm 1/7 tại Chicago (Mỹ), các nhà khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng ngũ cốc nguyên hạt chính là loại thực phẩm "tốt cho sức khỏe nhất".
Các nhà khoa học tại Đại học California San Francisco (Mỹ - UCSF) đã thu hạt lúa mì thô từ một trang trại duy nhất, xay hạt để sản xuất 3 loại bột khác nhau và sau đó sử dụng bột để làm bánh mì. Họ đã đánh giá mức độ các khoáng chất chính (canxi, magiê, phốt pho, kali), khoáng chất vi lượng (đồng, sắt, molypden, kẽm), carotenoids và vitamin E ở mỗi bước.
Ba loại bột được sản xuất trong nghiên cứu là bột mì nguyên hạt xay khô, bột mì nguyên hạt xay ướt và bột mì trắng tinh chế (đã loại bỏ cám và mầm). Kết quả, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng mức độ khoáng chất chính đã giảm gần 3/4 trong bột mì tinh chế và bánh mì làm từ bột mì tinh chế so với bột mì nguyên hạt, theo chuyên trang Medical Express.
Cụ thể, trong bột mì tinh chế và bánh mì làm từ bột mì tinh chế, các khoáng chất chính bị giảm tới 72% và các khoáng chất vi lượng giảm tới 64% so với hạt lúa mì. Ngược lại, trong hai loại bột mì nguyên hạt, mức độ khoáng chất chính hầu như không thay đổi từ hạt lúa mì, bột mì đến bánh mì, trong khi hàm lượng một số khoáng chất vi lượng thậm chí còn tăng lên trong quá trình chế biến. Điều này cho thấy ngũ cốc nguyên hạt chính là loại thực phẩm "tốt cho sức khỏe nhất".
Tiến sĩ David Killilea, nhà nghiên cứu tại Đại học California San Francisco, cho biết: Theo dõi hàm lượng chất dinh dưỡng từ trang trại đến bàn ăn là chìa khóa để đánh giá những nông sản nào là tốt nhất cho chế độ ăn uống. Tuy nhiên, trong cả 3 loại bột, mức vitamin E giảm đi sau khi xay xát và nướng - chỉ còn bằng 1/5 lượng vitamin E so với hạt lúa mì. Hàm lượng carotenoid cũng giảm, với tất cả các loại bánh mì đều chứa ít hơn 1/4 lượng carotenoid so với hạt lúa mì.
Tiếp theo, vì tình trạng thiếu vitamin A và E là mối lo ngại lớn về sức khỏe nên các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch tập trung tìm hiểu liệu quá trình lên men hoặc các quy trình khác có thể giúp duy trì hàm lượng vitamin trong các sản phẩm lúa mì hay không, theo Medical Express.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, những năm gần đây, một số nghiên cứu lớn cũng đã phát hiện ra việc ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ phát triển tiểu đường và ngăn ngừa biến chứng. Nghiên cứu gần đây nhất được công bố của Trường Đại học Công nghệ Chalmers (Thụy Điển), với hơn 55.000 người không mắc bệnh tiểu đường, cho thấy tăng cường ăn lúa mì nguyên hạt, yến mạch và lúa mạch đen giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Những người tham gia được chia thành 4 nhóm ăn lượng ngũ cốc nguyên hạt hàng ngày khác nhau. Hai nhóm ăn thấp nhất là ít hơn 27 g mỗi ngày và hai nhóm tiêu thụ nhiều nhất là dưới 50 g mỗi ngày. Kết quả theo dõi trong 15 năm cho thấy đàn ông, phụ nữ trong nhóm ăn nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường so với nhóm thấp nhất lần lượt là 34% và 22%.
Tiến sĩ Rikard Landberg, Trường Đại học Công nghệ Chalmers, thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt có tác động tích cực đến tình trạng viêm và mỡ trong cơ thể. Chất dinh dưỡng này là nguồn năng lượng tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ vi sinh vật khỏe mạnh tăng cường miễn dịch cho cơ thể, giảm khả năng mắc bệnh.
Tiến sĩ Minisha Sood, Bệnh viện Lenox Hill (Mỹ), không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết người bệnh tiểu đường không nên ăn bột tinh chế như bột mì đa dụng, thường được dùng trong bánh mì trắng, bánh mì tròn và các loại bánh khác. Ngoài ba loại trong nghiên cứu trên, người bệnh có thể chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt khác gồm lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, hạt kê, diêm mạch không chứa gluten, kiều mạch, tấm lúa mì... để thay thế cho gạo trắng, bánh mì trắng, bột mì… nhằm giúp quản lý bệnh tốt hơn.
Các loại đậu, hạt cũng rất giàu chất xơ và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tiêu thụ tối thiểu 35 g chất xơ mỗi ngày từ nhiều nguồn khác nhau có thể ngăn ngừa tiểu đường type 2.