August 26, 2010 | 09:24 GMT+7

Một số mặt hàng trọng yếu đối mặt khả năng tăng giá

Anh Quân

Giá xăng dầu, sắt thép, xi măng và phân bón có thể tăng nhẹ hoặc giữ giá trong thời gian tới

Giá xi măng đã giảm mạnh trong tháng 8 do tiêu thụ khó khăn.
Giá xi măng đã giảm mạnh trong tháng 8 do tiêu thụ khó khăn.
Sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế lớn trên thế giới, cùng với dự báo về tình hình phức tạp của dịch bệnh và diễn biến thời tiết bất thường ở trong nước những tháng cuối năm là nguy cơ gây bất ổn trong quan hệ cung - cầu - giá cả trên thị trường.

Đi cùng diễn biến này, giá xăng dầu, sắt thép, xi măng và phân bón có thể tăng nhẹ hoặc giữ giá thời gian tới, báo cáo đánh giá kết quả ngành thương mại - dịch vụ tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2010 của Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiếp tục đưa ra những đánh giá về diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu.

Dầu thô bắt đầu xu hướng giảm

Báo cáo cho biết, từ cuối tháng 7, giá dầu thô thế giới tiếp tục đi lên và đạt đỉnh vào ngày 3/8, vượt mức 80 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Nguyên nhân là do đồng USD cũng giảm giá xuống mức thấp so với các đồng tiền khác và thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đạt mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua.

Nhưng sau đó, giá dầu bắt đầu xu hướng giảm mạnh khi cùng lúc nhiều thông tin kinh tế bất lợi được công bố. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhận định đà phục hồi kinh tế nước này có dấu hiệu chậm lại với tỉ lệ thất nghiệp cao; tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang nguội dần và chứng khoán toàn cầu giảm sâu trong phiên ngày 11/8…

Chốt phiên giao dịch ngày 20/8 trên sàn New York, giá dầu giao tháng 9 là 74,45 USD/thùng; tại London, giá dầu Brent giao tháng 10 ở mức 74,3 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 6 tuần trước đó.

Ở trong nước, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao, từ ngày 9/8, Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu bán lẻ tăng thêm từ 190- 410 đồng/lít tùy loại.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 8 ước đạt 850 triệu tấn với trị giá khoảng 533 triệu USD; 8 tháng đầu năm 2010 ước đạt 7.023 triệu tấn với trị giá khoảng 4,336 tỷ USD, giảm 20,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thép tăng nhẹ

Trong tháng 8, các loạt sắt thép trên thị trường thế giới đồng loạt tăng giá cùng với xu hướng tăng giá chung của kim loại. Giá thép cuộn tăng trung bình 40 USD/tấn, đạt mức giá khoảng 650 USD/tấn; thép phế liệu tăng trung bình 25 USD/tấn, đạt khoảng 360 USD/tấn; giá quặng sắt cũng tăng nhẹ, đạt trung bình 140 USD/tấn.

Giá phôi thép tiếp tục tăng, FOB phôi Biển Đen chào giá ở quanh mức 530 USD/tấn; giá phôi nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 526,25 USD/tấn. Trên thị trường London, giá phôi giao sau 3 tháng dao động quanh mức 500 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, giá thép cũng tăng nhẹ theo đà tăng của thế giới. Thép cuộn xây dựng loại CT3 6-8 mm có mức giá trung bình 13,9-14,2 nghìn đồng/kg tại thị trường Hà Nội và Tp.HCM; thép cây xây dựng từ 13,9-14 nghìn đồng/kg; thép cuộn cán nóng HRC âm tính giá 12,1-12,3 nghìn đồng/kg, tăng trung bình 150 đồng/tấn; thép tấm bán lẻ vào khoảng 12,4-12,5 nghìn đồng/kg cho loại từ 6-12mm và từ 12,9-13,3 nghìn đồng/kg cho loại từ 3-5mm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 7/2010 đạt 617 nghìn tấn; ước tháng 8 đạt 600 nghìn tấn, giảm 2,7% về lượng so với tháng 7 và đạt trị giá 461 triệu USD. Tính cả 8 tháng đầu năm, thép nhập khẩu ước đạt 5.328 nghìn tấn, giảm 12,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2009.

Xi măng ổn định hoặc chỉ tăng giá nhẹ

Cung - cầu xi măng trong tháng 8 tiếp tục mất cân đối, lượng xi măng sản xuất ước đạt trên 4 triệu tấn, trong khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh khoảng 0,52 triệu tấn so với tháng 7, chỉ đạt trên 3,2 triệu tấn. Nguyên nhân là do đã bước vào mùa mưa nên nhiều nhà đầu tư không khởi công công trình mới mà tập trung hoàn thiện các dự án đang thi công.

Do tiêu thụ khó khăn, cung lớn hơn cầu nên ngày 12/8, nhiều nhà máy sản xuất xi măng đã đồng loạt giảm giá bán, bình quân khoảng 10 nghìn đồng/tấn so với tháng 7 nhằm đẩy mạnh tiêu thụ.

Trên thị trường, giá bản lẻ xi măng đã giảm từ 35-40 nghìn đồng/tấn so với tháng trước. Cụ thể, tại miền Bắc, giá xi măng dao động ở mức từ 920-1.000 nghìn đồng/tấn, trong khi tại miền Nam, giá bán ở mức cao hơn, khoảng 1.060-1.340 nghìn đồng/tấn, giảm 140 nghìnđồng/tấn so với tháng trước.

Vụ Kinh tế Dịch vụ dự báo, trong tháng 9 lượng cung xi măng dồi dào và giá bán sẽ ổn định hoặc có thể chỉ tăng nhẹ.

Phân bón có thể tăng giá

Trong tháng 8, thị trường phân bón thế giới tiếp tục diễn ra sôi động do có nhiều tín hiệu tích cực về nhu cầu của các nhà nhập khẩu phân bón. Giá các loại phân bón có xu hướng tăng, trong đó giá ure tăng khá mạnh so với tháng 7, từ 15-40 USD/tấn tùy thị trường.

So với nửa đầu tháng 7, giá FOB ure tại Yuzhny ngày đã tăng khoảng 40 USD/tấn trong 15 ngày đầu tháng 8 đạt mức 245-290 USD/tấn; tại Baltic lên mức 240-280 USD/tấn (tăng từ 15-35 USD/tấn); tại thị trường Trung Đông là 265-290 USD/tấn (tăng 17-40 USD/tấn)…

Tuy nhiên trên thị trường trong nước, giá phân bón nửa đầu tháng 8 vẫn ổn định do lượng phân bón tiêu thụ trên thị trường cả nước giảm nhẹ do đã bước vào giữa vụ Hè - Thu, nhiều tỉnh hầu hết diện tích lúa đã được chăm bón xong.

Giá bán lẻ một số loại phân bón tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM và Cần Thơ ngày 19/8 ở mức, phân ure nhập khẩu có giá từ 6,5-7 nghìn đồng/kg; supe lân giá khoảng 2,3 nghìn đồng/kg; DAP Philippines giá từ 10,5-11 nghìn đồng/kg.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 320 nghìn tấn với trị giá 116 triệu USD, tăng 42,9% về lượng so với tháng 7/2010. 8 tháng đầu năm 2010, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.945 nghìn tấn với trị giá 629 triệu USD, giảm 31,7% so với cùng kỳ năm 2009.

Vụ Kinh tế Dịch vụ dự báo, thời gian tới giá phân bón có thể tăng do tác động từ giá thế giới và nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate