Với chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 được Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam công bố ngày 20/6 đã cho thấy rõ bức tranh ngành năng lượng, cũng như những thách thức, rào cản của chuyển dịch năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Chủ biên báo cáo), xu thế đầu tư vào tiêu dùng năng lượng tái tạo, hướng tới mô hình tăng trưởng xanh là xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu.
Chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.
Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế.
Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.
Báo cáo cũng chỉ ra xu thế đầu tư cho khu vực năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng đầu tư trực tiếp trên thế giới. Bên cạnh đó là những yêu cầu trong thương mại và đầu tư quốc tế về các tín chỉ sản xuất xanh, chuyển dịch năng lượng, năng lượng công bằng, biên giới carbon (của EU) đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng…
Hơn nữa, giữa cung và cầu năng lượng Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai đang mất cân đối nếu chúng ta chỉ dựa vào các nguồn năng lượng truyền thống, đặc biệt năng lượng hoá thạch như than đá, dầu… Những nguồn năng lượng này sẽ dần cạn kiệt, khó đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng năng lượng ngày càng lớn.
Nghiên cứu thực tế tại Việt Nam cho thấy, từ năm 2020 chúng ta đã phải nhập khẩu năng lượng để đáp ứng nhu cầu đặc biệt nhu cầu phát triển công nghiệp, giao thông tại Việt Nam. Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng, trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất khu vực Asean nhất là điện mặt trời.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra những thách thức chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đó là sự chưa hoàn toàn sẵn sàng chuyển dịch năng lượng cả ở hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế.
Những bất cập về mặt chính sách, những yếu tố không đồng nhất về quan điểm, sự trục lợi chính sách ở một số dự án nhất định khiến cho các chính sách hỗ trợ (đặc biệt cơ chế giá FIT) dừng lại từ năm 2020 đến nay khiến cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng “dừng”.
Bên cạnh đó, có sự “ngập ngừng”, không rõ ràng về mặt chính sách đối với các nguồn điện không tập trung như nguồn điện mái nhà của người dân, trong khu công nghiệp.
Nghiên cứu nhấn mạnh đến những rào cản chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam, như thiếu các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật cấp phép điện lực. Các rào cản về đầu tư: hạn chế trong huy động vốn, thời gian hoàn thành dự án và thu hồi vốn dài, thiếu chắc chắn trong ưu đãi thuế và kém hấp dẫn của giá điện. Dữ liệu không đầy đủ về các nguồn năng lượng tái tạo…
Để đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng, báo cáo cho rằng việc cần có những chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… là vô cùng quan trọng. Trong đó, đẩy mạnh cả về chính sách và thị trường sẽ hỗ trợ cho phát triển các nguồn năng lượng mới, bù đắp nhu cầu thiếu hụt năng lượng trong tương lai của Việt Nam.
Ông Việt cũng nhấn mạnh rằng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong giảm các chi phí đầu tư đối với nguồn năng lượng đòi hỏi đầu tư công nghệ mới như lưới điện thông minh, pin tích điện.