Tại tỉnh Thanh Hóa, chiều ngày 22/7, ông Lê Huy Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu cho biết: Tuyến đê sông Cung, đoạn qua khu vực cống Đồng Đền 2 (trước đây thuộc xã Hoằng Thắng), bị sạt trượt mái tại hai vị trí, tổng chiều dài khoảng 50m.
Theo ghi nhận, điểm sạt đầu tiên dài khoảng 5m được phát hiện vào sáng 22/7 và tiếp tục lan rộng nhanh chóng trong điều kiện mưa lớn. Chính quyền xã đã huy động gần 300 người từ các lực lượng dân quân, đoàn thể và người dân tham gia gia cố tạm thời bằng cọc tre, bao tải đất.
Hiện điểm sạt trượt đã được xử lý bước đầu để ổn định mái đê, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân khu vực.
Chiều tối 22/7, tại thị xã Bỉm Sơn (nay là phường Quang Trung), lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực II - Hà Trung phối hợp với Lữ đoàn 368 và lực lượng vũ trang địa phương đã tổ chức gia cố đoạn đê sông Tam Điệp gần cầu mới, trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng.
Hơn 300 người được huy động để khẩn trương gia cố 200m tuyến đê, bằng cách kè đất đá, đóng cọc tre chống sạt lở nhằm bảo vệ an toàn khu dân cư và hệ thống hạ tầng giao thông lân cận.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng bão số 3, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng đang duy trì mức cảnh giác cao độ, liên tục cập nhật tình hình, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Nhiều điểm đê bối đã được gia cố bước đầu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao nếu mưa lớn kéo dài trong những ngày tới. Chính quyền các địa phương tiếp tục kêu gọi người dân chủ động theo dõi thông tin thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Tại tỉnh Ninh Bình, chiều 22/7, ảnh hưởng của bão số 3 khiến nhiều khu vực trũng thấp thuộc xã Nghĩa Lâm rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ. Tuyến đê bao bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản ở xóm Ngọc Hùng bị sạt lở nghiêm trọng, kéo dài hàng chục mét. Sự cố đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương.
Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã Nghĩa Lâm đã nhanh chóng kích hoạt phương án “4 tại chỗ” gồm chỉ huy, lực lượng, vật tư và hậu cần tại chỗ để ứng phó với tình hình. Nhiều phương tiện, vật tư như máy múc, bao tải cát, cuốc xẻng… được huy động kịp thời để gia cố đê bao.
Ông Trần Xuân Sinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, cho biết: “Trước tình thế cấp bách, chính quyền và người dân đã huy động toàn bộ lực lượng để xử lý sự cố. Đến cuối chiều, các điểm sạt lở cơ bản được khắc phục tạm thời, giảm thiểu nguy cơ vỡ đê nếu mưa tiếp diễn”.
Ngoài ra, trên tuyến đê bối thuộc xã Ninh Giang cũng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 20m. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa lớn kéo dài.

Đến tối 22/7, đoạn đê bị ảnh hưởng đã được xử lý tạm thời. Chính quyền địa phương tiếp tục duy trì lực lượng túc trực xuyên đêm, theo dõi diễn biến thời tiết và sẵn sàng phương án ứng phó nếu có sự cố mới phát sinh.
Tại thành phố Hải Phòng, chiều ngày 22/7 tại xã Vĩnh Thuận xảy ra sự cố vỡ đê bối cục bộ tại vị trí Km0+500 hữu Thái Bình (thuộc thôn 7), ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của 27 hộ dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự xã Vĩnh Thuận, vụ việc xảy ra vào khoảng 13h40 trong điều kiện mưa lớn kéo dài sau bão số 3 (Wipha), kết hợp triều cường dâng cao khiến áp lực nước sông Thái Bình vượt quá khả năng điều tiết của hệ thống đê bối.

Trước đó, từ 10h cùng ngày, Ban Chỉ huy đã tiến hành kiểm tra các tuyến đê và chỉ đạo mở từng phần 6 cống điều tiết tại khu vực thôn 6 và thôn 7 để cân bằng áp lực giữa sông và vùng bãi. Tuy nhiên, do mực nước sông dâng quá nhanh, chênh lệch mực nước lớn trong khi khẩu độ cống nhỏ, dòng chảy không thể thoát kịp, dẫn đến vỡ đê bối tại vị trí trên.
Theo ghi nhận, mặt đê bối tại khu vực vỡ có cao trình khoảng +3,0m, rộng 3m, dài 7m. Tại thời điểm xảy ra sự cố, mực nước sông Thái Bình đo được là +2,65m. Vùng bị ảnh hưởng có diện tích khoảng 5,6ha, chủ yếu là vùng nuôi rươi, trong đó có 5 hộ chăn nuôi khoảng 3.500 con gà và 2 hộ chăn nuôi khoảng 600 con lợn.
Ngay sau sự cố, khoảng 150 người gồm lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ và người dân địa phương đã được huy động để tổ chức di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi của các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Đến 15h30 cùng ngày, công tác di chuyển hoàn tất, không có thiệt hại về người.
Cùng thời điểm, mưa lớn kết hợp với thủy triều dâng cũng gây ngập úng tại các tuyến đường dẫn tỉnh lộ 354 thuộc địa bàn xã Tiên Lãng và xã An Hưng, thành phố Hải Phòng. Chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các lực lượng chức năng đắp đất, quai sanh nhằm ngăn nước tràn vào sâu hơn. Đáng chú ý, cầu Khuể tuyến giao thông huyết mạch của khu vực đã bị tạm thời cấm lưu thông do mực nước sông Văn Úc dâng cao.
Theo Báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Tính đến 17h ngày 22/7, tổng số người dân được sơ tán, di dời là 12.485 người. Trong đó, do ảnh hưởng của bão, đã có 11.756 người được sơ tán, gồm: Quảng Ninh 2.052 người, Hải Phòng 4.994 người, Ninh Bình 4.710 người. Do ngập lụt, sạt lở đất, đã có 729 người được sơ tán, gồm: Thanh Hóa 468 người, Nghệ An 261 người.
Theo báo cáo sơ bộ tính đến 17h ngày 22/7, thiệt hại do bão số 3 gây ra như sau: 79 nhà tại Nghệ An bị tốc mái. Về nông nghiệp: Tổng cộng 107.217 ha lúa bị ngập úng, bao gồm: Hưng Yên 26.000ha, Ninh Bình 74.017ha, Thanh Hóa 7.200ha… Hiện, các địa phương đang vận hành hệ thống máy bơm tiêu nước để giảm thiểu thiệt hại và cứu lúa.