November 04, 2020 | 14:13 GMT+7

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris giữa lúc bầu cử căng thẳng

Hoài Thu

Ông Joe Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ gia nhập lại Hiệp định Paris nếu thắng cử

Ông Trump lần đầu tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris vào tháng 6/2017 với lý do thỏa thuận này gây cản trở phát triển kinh tế - Ảnh: Reuters.
Ông Trump lần đầu tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris vào tháng 6/2017 với lý do thỏa thuận này gây cản trở phát triển kinh tế - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, ngày 4/11 Mỹ chính thức rời khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, hiện thực hóa tuyên bố vào năm 2017 của Tổng thống Donald Trump. 

Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử tổng thống với sự rượt đuổi sát nút của hai ứng viên sẽ quyết định việc Mỹ sẽ rời khỏi hiệp định này trong bao lâu. Ông Joe Biden từng tuyên bố sẽ đưa Mỹ gia nhập lại Hiệp định Paris nếu thắng cử. 

"Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ để lại một khoảng trống trong thế hệ của chúng ta và trong những nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu và tham vọng của hiệp định", ông Patricia Espinosa, tổng thư ký tại Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), cho biết.

Dù vậy, ông Espinosa cho biết Mỹ sẽ vẫn tham gia UNFCC và cơ quan này "luôn sẵn sàng hỗ trợ Mỹ gia nhập lại Hiệp định Paris bất cứ lúc nào". 

Ông Trump lần đầu tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris vào tháng 6/2017 với lý do thỏa thuận này gây cản trở phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vì các yêu cầu của hiệp định, đến tận bây giờ ông mới thực hiện được ý định này. 

Động thái này đưa Mỹ trở thành quốc gia duy nhất trong 197 quốc gia, vùng lãnh thổ rời khỏi Hiệp định Paris. Trước đó, theo thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Barack Obama cam kết cắt giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính vào năm 2025, so với mức của năm 2005. Mỹ hiện là quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn thứ hai trên thế giới.

Trong khi đó, ông Biden tuyên bố sẽ cố gắng đạt được các mục tiêu này nếu đắc cử. Ông cũng cam kết đưa lượng khí thải nhà kính của Mỹ về mức 0 vào năm 2050 với kế hoạch cải tổ nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD. 

Theo Rhodium Group, năm 2020, lượng khí thải nhà kính của Mỹ đang ở mức khoảng 21% so với mức vào năm 2005. Công ty này dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 30% vào năm 2035 (so với mức năm 2019) nếu ông Trump tái đắc cử. 

Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng thế giới phải cắt giảm lượng khí thải thật nhanh để tránh được những thảm họa tồi tệ nhất do hiện tượng trái đất nóng lên toàn cầu. Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu mới đây đều đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu về giảm khí thải của Hiệp định Paris.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate