Thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy luỹ kế đến ngày 25/12/2023 có 79 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2022.
THỊ TRƯỜNG "SÁNG" DẦN VÀO CUỐI NĂM
Tại thời điểm hai tháng đầu năm, khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp èo uột, thanh khoản đóng băng khi chỉ có vài doanh nghiệp phát hành thành công với giá trị chưa tới 1% so với cùng kỳ.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 65) có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu ấm dần.
Từ quý 2/2023 trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước, trong khi trước đó, quý 1/2023 hầu như không có đợt phát hành trái phiếu nào. Tiếp đó, trong quý 3/2023, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ghi nhận sự phục hồi tích cực, với giá trị phát hành cao gấp gần 2,7 lần so với quý trước đó và tăng tới 36,2% so với cùng kỳ.
Trong quý cuối năm 2023, thị trường cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan, cao gấp khoảng 3 lần cùng kỳ từ mức đáy của quý 4/2022 khi những vi phạm tại Vạn Thịnh Phát liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố vào tháng 9/2022. Theo ghi nhận, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 4/2022 giảm 94,5% so với quý trước và giảm 98,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.
Nghị định 08 ra đời cũng góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết căn cứ các quy định của Nghị định số 08, doanh nghiệp và trái chủ rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn.
Tỷ lệ đàm phán thành công tăng cao, từ mức 16% vào tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Tín hiệu đáng mừng là nhiều doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.
"Tính đến ngày 25/12/2023, trên thị trường có 822 mã trái phiếu được đăng ký giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tổng giá trị giao dịch đạt 189.976 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 1.600 tỷ đồng/phiên.
(Bộ Tài chính).
Về nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thị trường, triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống giao dịch, đăng ký, lưu ký, thanh toán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính đối với các công ty phát hành.
Ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức lễ khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo đó, các trái phiếu phát hành theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ được đăng ký, lưu ký, thanh toán tập trung tại Tổng công ty Lưu ký bù trừ chứng khoán Việt Nam, giao dịch trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán.
Từ thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động ngày 19/7/2023 đến ngày 25/12/2023, tổng giá trị giao dịch đạt 189.976 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 1.600 tỷ đồng/phiên.
Việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giao trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là một mũi tên trúng nhiều đích, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường và nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp; tăng cường hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý đối với việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Đồng thời, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua bán trái phiếu; nâng cao thanh khoản cho nhà đầu tư. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng.
ĐÔN ĐỐC DOANH NGHIỆP THANH TOÁN NỢ TRÁI PHIẾU
Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý và nâng chất lượng cơ sở hạ tầng thị trường, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm ổn định thị trường.
Thứ nhất, Bộ Tài chính làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lớn đến hạn trong năm 2022-2023 và có công văn thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc trực tiếp với 39 doanh nghiệp, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức làm việc với 23 doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn.
Bộ Tài chính có 6 văn bản yêu cầu từng doanh nghiệp phát hành ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết, có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”.
Bộ Tài chính chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Thứ hai, bộ này tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Động thái đó nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, lành mạnh hoá thị trường, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp.
Trong năm 2022 bộ và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra 12 doanh nghiệp phát hành, 27 công ty chứng khoán, 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, 16 doanh nghiệp kiểm toán và 15 doanh nghiệp thẩm định giá.
Ngân hàng Nhà nước cũng thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ tại 11 tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành các văn bản cảnh báo gửi tổ chức tín dụng chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp
Thứ ba, công tác truyền thông cũng được tăng cường để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư. Bộ chủ động tuyên truyền, phổ biến chính sách về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư.
Cùng đó, thường xuyên thông tin về tình hình thị trường và các giải pháp yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đối với trái chủ, đề nghị các doanh nghiệp chủ động công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc lãi, mua lại trái phiếu trước hạn và tình hình tài chính, kinh doanh cho nhà đầu tư.
Nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, có lộ trình áp dụng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp phù hợp.
Nêu bật nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường vốn trong năm 2023, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 3580/VPCP-KTTH ngày 02/10/2023.
Căn cứ các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường để phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, an toàn, bền vững thông qua điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản.