March 14, 2024 | 08:14 GMT+7

Năm 2024: Mục tiêu nào cho du lịch Thủ đô?

Tường Bách -

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến với Thủ đô tiếp tục tăng đột biến. Đây là hiệu quả từ các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực quảng bá, xúc tiến thời gian qua…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội trong hơn 2 tháng đầu năm. Để thu hút khách quốc tế lưu trú lại lâu hơn và tăng chi tiêu, các công ty du lịch cũng như hiệp hội du lịch đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, trong năm nay Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, trong đó sẽ nghiên cứu phát triển khu tổ hợp trường đua F1 quận Nam Từ Liêm thành tổ hợp du lịch, thể thao, vui chơi giải trí đêm đẳng cấp. 

CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG

Mới đây, trang Wethrift nhận định, Hà Nội - thủ đô của Việt Nam là một trong 15 điểm đến du lịch có giá cả phải chăng nhất cho năm 2024. Nền tảng Wethrift phân tích các chỉ số như vé máy bay, vé điểm tham quan, tour du lịch, phí giao thông công cộng, bữa ăn, chỗ ở... để chọn ra 15 điểm đến có mức chi phí du lịch phải chăng nhất với du khách quốc tế trong năm 2024. Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách này, chỉ sau New Delhi (Ấn Độ).

Theo nền tảng du lịch này, Hà Nội cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho khách du lịch với mức giá phải chăng, từ phương tiện giao thông công cộng, nơi lưu trú tự phục vụ cho đến các hàng ăn bình dân. Các điểm tham quan, tour du lịch quanh Hà Nội cũng có nhiều lựa chọn với mức giá "dễ chịu" (trung bình dưới 60 USD, theo khảo sát của Wethrift). Du khách quốc tế có thể trải nghiệm một chuyến khám phá ẩm thực đường phố (food tour) hoặc tham quan một số điểm đến lân cận như khu du lịch Hang Múa (Ninh Bình) hay về vùng nông thôn ở Mai Châu (Hòa Bình).

Đã có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội trong hơn 2 tháng đầu năm.
Đã có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội trong hơn 2 tháng đầu năm.

Không chỉ Hà Nội mà Việt Nam cũng được Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler liệt kê vào 21 điểm đến rẻ nhất dành cho du khách năm 2024 nữa. Không thể phủ nhận rằng, chi phí rẻ là một lợi thế trong việc thu hút khách quốc tế, nhưng liệu có phải du khách đến Việt Nam chỉ vì rẻ hay không? "Hà Nội là thành phố an toàn và tôi chưa từng cảm thấy bất an về bất cứ điều gì ở đây. Tôi nghĩ đó là điều rất tốt cho du khách bởi nếu họ cảm thấy an toàn cả ngày lẫn đêm thì đó là một điểm cộng cho du lịch thành phố", ông Peter Okeeffe - Du khách Australia chia sẻ.

Văn hóa, con người, thiên nhiên, sự an toàn, mến khách… có thể thấy du lịch Việt Nam còn rất nhiều yếu tố để thu hút khách quốc tế. Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, nếu chỉ có rẻ, du lịch Việt khó giữ chân du khách được lâu hoặc khiến họ quay trở lại. Điều quan trọng là phải cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao với mức giá hợp lý.

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết: "Đảm bảo chất lượng dịch vụ để cung cấp cho khách hàng đó chính là cách giữ chân du khách và xây dựng hình ảnh của du lịch Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam họ mong muốn khám phá từ điểm đến, văn hóa, di tích, ẩm thực… Nếu cứ mãi định vị là một "điểm đến giá rẻ", Việt Nam khó lòng thu hút khách du lịch ở những thị trường cao cấp, chi tiêu cao.

Văn hóa, con người, thiên nhiên, sự an toàn, mến khách… có thể thấy du lịch Việt Nam còn rất nhiều yếu tố để thu hút khách quốc tế.
Văn hóa, con người, thiên nhiên, sự an toàn, mến khách… có thể thấy du lịch Việt Nam còn rất nhiều yếu tố để thu hút khách quốc tế.

Có thể nói, chất lượng quan trong hơn số lượng. Việc du khách ở lại bao lâu và chi tiêu bao nhiêu được cả ngành du lịch quan tâm nhiều hơn. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 08 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Trong đó, yêu cầu Bộ Ngoại Giao, Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu để sớm tạo ra những đột phá hơn nữa về chính sách thị thực, để có thể thu hút du khách ở các thị trường cao cấp.

NHIỀU SẢN PHẨM MỚI SẮP RA MẮT

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2024, du lịch Thủ đô chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", “Thành phố vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”. Hà Nội sẽ hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có, đồng thời, nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao...

Trước đó, Sở Du lịch cũng phối hợp với Tổng công ty Du lịch Hà Nội khảo sát xây dựng tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch văn hóa, làng nghề trên khu vực sông Hồng nhằm đưa vào khai thác tour du lịch đường thủy kết nối phố cổ Hà Nội với làng gốm sứ Bát Tràng, di tích đền thờ Chử Đồng Tử…

Mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu đang được lên phương án triển khai.
Mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu đang được lên phương án triển khai.

Sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội. Đề xuất 2 sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).

Thời gian qua, văn hóa xứ Đoài được giới thiệu và tạo sức hút tới đông đảo du khách. Các hoạt động “Tết Việt” tổ chức tại làng cổ Đường Lâm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được chú ý, là tiền đề để thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị truyền thống thiểu số tại huyện Ba Vì. Trong khi đó, tại làng hương Quảng Phú Cầu, người dân làng nghề đã sáng tạo những mô hình du lịch mang tính thẩm mỹ cao, thiết kế tiểu cảnh với các biểu tượng đặc trưng văn hóa Việt Nam như bản đồ Việt Nam, hình ảnh lá quốc kỳ,…trở thành điểm check-in ấn tượng cho du khách.

Đồng thời, nhằm mục tiêu triển khai công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, hướng tới người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ Dịch vụ công trực tuyến, Sở Du lịch Hà Nội đang tập trung số hóa dữ liệu về du lịch, xây dựng bản đồ số du lịch thông minh nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và du khách. Việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông và quảng bá hình ảnh du lịch của Thủ đô Hà Nội đến du khách nội địa và quốc tế cũng là một ưu tiên.

Sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội.
Sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội.

Được biết, sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2024 ” vừa qua là hoạt động mở đầu cho hơn 50 chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch 2024 của Hà Nội như: Lễ hội du lịch Hà Nội 2024; Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề; Lễ hội Áo dài Hà Nội 2024.... Qua đó hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024, trong đó, có 5,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 109,41 nghìn tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate