2023 có lẽ là một trong những năm thành công nhất của ngành Đường sắt. Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong năm 2023 doanh thu toàn tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm; vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135,4% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 3.973,4 tỷ đồng, bằng 107,0% so với cùng kỳ.
KHUYẾN MÃI, GIẢM GIÁ VÉ
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR, cho biết năm 2023, thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt đã có sự tăng trưởng cao nhờ nhu cầu đi lại của người dân hậu Covid-19 cũng như các hoạt động du lịch trong nước đã phục hồi. Đặc biệt, ngành đường sắt đã được đầu tư gói 7.000 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga nên năng lực chạy tàu của tuyến đường sắt Bắc – Nam đã được nâng lên đáng kể. Khi thị trường phục hồi cũng là lúc hạ tầng mới đầu tư, nâng cấp có thể đưa vào khai thác nên đã giúp VNR tận dụng được “thời điểm vàng” để phát triển.
Tiếp đà tăng trưởng năm 2023, ngành Đường sắt đã tận dụng rất tốt cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để tạo sức bật trong giai đoạn đầu năm mới. Thống kê cho thấy, trong cao điểm Tết (26/1/2024 đến hết ngày 26/2/2024), hành khách đi tàu thực tế đạt hơn 720.000 khách, tăng trưởng 5%. Doanh thu dịp Tết này hơn 436 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.
Tuy nhiên cũng như các loại hình vận tải hành khách khác, đường sắt cũng chuẩn bị bước vào giai đoạn thấp điểm đầu năm. Theo các chuyên gia, thời điểm tử tháng 3 đến tháng 5 - thời gian chuyển giao giữa cao điểm Tết và cao điểm Hè - sẽ là giai đoạn nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Do đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách nói chung và đường sắt nói riêng đều cần có những sự điều chỉnh phù hợp từ chiến lược kinh doanh phù hợp với giai đoạn này.
Đối với ngành Đường sắt, giảm giá vé và đẩy mạnh những dịch vụ kết hợp với du lịch sẽ là bước đi phù hợp trong giai đoạn thấp điểm sắp tới. Mới nhất, Công ty CP vận tài đường sắt Sài Gòn phát đi thông báo về chương trình khuyến mãi, giảm giá vé sau Tết rất hấp dẫn. Cụ thể, từ ngày 27/2, khách đi tàu khách Thống Nhất hành khách mua vé trước ngày đi tàu từ 5 ngày trở lên được giảm từ 5% đến 30% giá vé.
Chương trình khuyến mãi này được áp dụng đối với hành khách mua vé các tàu SE3/4, SE7/8 (Sài Gòn - Hà Nội), khi mua vé có cự ly vận chuyển trên 900km; tàu SE21/22 (Sài Gòn - Đà Nẵng) cự ly vận chuyển trên 600 km và tàu SNT1/2 (Sài Gòn - Nha Trang) có cự ly vận chuyển trên 300 km. Ngoài ra, khách mua vé tàu SPT1/2 chặng Sài Gòn - Phan Thiết và mua trước ngày đi tàu từ 10 ngày trở lên được giảm 10% giá vé. Đặc biệt, hành khách mua vé tập thể có số lượng khách từ 5 người trở lên được giảm giá từ 2 - 14% giá vé. Hành khách mua vé khứ hồi được giảm 10% giá vé lượt về...
Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vừa thông báo áp dụng nhiều chính sách giảm giá dịp thấp điểm năm 2024. Theo đó, từ nay đến ngày 24/4 và từ ngày 2/5 đến 16/5, hành khách mua vé cá nhân các đoàn tàu Thống Nhất SE1/SE2, SE5/SE6 giữa Hà Nội – TP.HCM và ngược lại trước ngày đi tàu từ 5 - 9 ngày được giảm 5% giá vé, trước từ 10 - 19 ngày giảm 10%, trước từ 20 - 39 ngày giảm 20%, trước từ 40 ngày trở lên giảm 40%. Điều kiện áp dụng là vé phải có cự ly di chuyển từ 900km trở lên.
Với tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngành đường sắt tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi đối với vé tháng và vé nhóm. Cụ thể, hành khách đi theo nhóm, với mã giảm giá "3TANG1" (mua 3 vé, được tặng thêm 1 vé) và "6TANG2" (mua 6 vé, được tặng thêm 2 vé), khách có thể tiết kiệm 85.000-125.000 đồng một chiều cho chuyến đi 4 người hoặc tiết kiệm 170.000-250.000 đồng một chiều cho chuyến đi 8 người...
CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI
Ngoài giai đoạn thấp điểm đầu năm sắp diễn ra, ngành Đường sắt còn trải qua một giai đoạn thấp điểm nữa vào cuối năm. Đó cũng sẽ là giai đoạn ngành đường sắt đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để kích cầu. PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Khuyến mãi, giảm giá vé và các chính sách ưu đãi cho khách hàng là cách làm không mới nhưng luôn mang lại hiệu quả, không chỉ với riêng ngành đường sắt mà với rất nhiều lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khác”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, về lâu dài, ngành đường sắt cần có những chiến lược toàn diện và dài hơi hơn mà quan trọng nhất là cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách. Một khi đã tạo được sức hút đủ lớn, ngay cả trong giai đoạn thấp điểm ngành cũng vẫn sẽ duy trì được lượng khách ổn định cho riêng mình.
Thời gian vừa qua, ngành Đường sắt đã tập trung xây dựng hình ảnh nhận diện đường sắt Việt Nam với việc liên tiếp ra mắt chương trình, sản phẩm độc đáo, gắn với du lịch và với mục tiêu "đánh thức di sản". Nhiều phong trào ý nghĩa như "Đường tàu - Đường hoa" đã được triển khai. Đặc biệt, trong năm 2023, đường sắt kết hợp với các địa phương, đơn vị du lịch cung cấp đến khách du lịch nhiều chương trình, sản phẩm kết hợp vận tải - du lịch - lưu trú hấp dẫn, chi phí hợp lý như tàu food tour Hà Nội - Hải Phòng; combo du lịch Quảng Bình, Nha Trang, Huế... đã và đang đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, bên cạnh việc đầu tư đóng mới, cải tạo các toa xe thì các sản phẩm du lịch gắn với đường sắt phải trọn gói từ vận chuyển, nghỉ dưỡng, ăn uống được kết nối linh hoạt mới làm hài lòng du khách. “Bằng cách phát triển có trọng điểm, lựa chọn đầu tư vào những tuyến đường sắt phù hợp du lịch, trải nghiệm êm ái, có những khoang nhà hàng như food tour thì du lịch đường sắt sẽ có được những đánh giá tốt. Khi dịch vụ đủ hấp dẫn thì tự khắc sẽ liên tục có được những lượt khách mới”.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam, khẳng định những gì đã làm được hiện nay vẫn là quá khiêm tốn so với tài nguyên mà ngành đường sắt sở hữu. Để tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn cho du lịch bằng đường sắt thì còn rất nhiều việc phải làm: “Chắc chắn phải đầu tư về phương tiện, đặc biệt là các toa xe và chất lượng dịch vụ trên toa xe, dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đầu tư, cần quảng bá về các thông tin thu hút du lịch đường sắt. Khi hành khách tham gia vào hành trình du lịch đường sắt có thể được nghỉ ngơi, làm việc, được thưởng thức đặc sản vùng miền, được tham quan không gian. Đây là lợi thế mà chỉ ngành đường sắt mới có”.