Buổi ra mắt bộ sưu tập Haute Couture của thương hiệu Schiaparelli hôm 22/1 vừa qua là show cao cấp đầu tiên sử dụng nhạc nền phim Top Gun, đem tới nhiều trải nghiệm được giới chuyên môn lẫn khán giả khen ngợi. Theo Vogue, sau buổi diễn, nhiều người trên TikTok đã sử dụng AI, biến thiết kế của Schiaparelli thành bộ sưu tập kỹ thuật số.
Vốn yêu thích điện ảnh, giám đốc sáng tạo Daniel Roseberry đã khiến chủ đề công nghệ thể hiện rõ trên những bộ cánh mang âm hưởng vị lai. Trong vai nữ anh hùng Ellen Ripley của phim Alien, người mẫu Maggie Maurer ôm một con búp bê đính pha lê Swarovski và chip, bo mạch điện tử. "Hình ảnh truyền thông điệp về sự tôn kính của tôi đối với công nghệ thời kỳ Y2K", nhà thiết kế Roseberry nói với WWD. Khoảnh khắc này "gây bão" khi được lan truyền trên mạng xã hội còn các chuyên gia thời trang thì nhận xét bộ cánh là một trong những thiết kế tiêu biểu nhất thể hiện chủ đề công nghệ.
Theo báo cáo của Business of Fashion, 73% giám đốc điều hành thời trang cho biết sáng tạo AI sẽ là ưu tiên hàng đầu cho doanh nghiệp vào năm 2024. Ngoài ra, báo cáo cũng đã dự đoán rằng các doanh nghiệp sẽ sử dụng ¼ vốn đầu tư vào AI cho danh mục thiết kế và phát triển sản phẩm.
Có hai loại công việc đang hot trong lĩnh vực công nghệ thời trang: nếu như loại đầu tiên tập trung vào nâng cao trải nghiệm của khách hàng thì loại còn lại tập trung vào việc gắn kết thương hiệu. Các thương hiệu muốn trở thành trung tâm của cuộc trò chuyện thì sẽ thường hợp tác và triển khai ý tưởng đến từ những nhà sáng tạo công nghệ.
David Poinchock đến từ Brand Experience Lab ở thành phố Jersey đã mô tả công ty của mình là “sân chơi của các công nghệ mới nổi” khi tập trung vào khám phá thực tế ảo và Metaverse. Công nghệ này có thể vận chuyển đến các cửa hàng, pop-up store hoặc bất kỳ không gian sự kiện nào và lắp đặt tại đó. Họ mời khách hàng đến đó thử nghiệm và khám phá các cách mà công nghệ sẽ phục vụ “trải nghiệm” cho những vị khách ấy.
“Hãy xác định mục tiêu khi sử dụng công nghệ: bạn đang làm điều đó vì muốn được giới truyền thông chú ý hay bạn đang làm điều gì đó vì bạn cần tạo ra doanh thu trực tiếp từ nó. Đó chính xác là hai mục tiêu khác nhau”, Brand Experience Lab đã hợp tác với các thương hiệu làm đẹp cao cấp trong năm 2023 và ông tin rằng năm 2024 sẽ là năm của các thương hiệu thời trang.
Trong khi đó, trước tình trạng hàng giả tràn lan trong ngành công nghiệp thời trang, những nhà bán lẻ cũng đã tìm cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện sản phẩm giả mạo. Theo nền tảng xác thực sản phẩm Certilogo, ngành thời trang thiệt hại hơn 45 tỉ euro do hàng nhái trong năm 2020. Tờ Insider thông tin, ứng dụng AI là giải pháp hiệu quả giúp các nhà bán lẻ hàng cao cấp xây dựng lòng tin với khách hàng.
Entrupy là dịch vụ công nghệ sử dụng AI để xác thực túi xách, giày thể thao hàng hiệu trên thị trường bán lại, nhằm đảm bảo khách hàng sở hữu hàng chính hãng. Hiện Entrupy có thể xác thực sản phẩm từ các thương hiệu lớn như Balenciaga, Burberry, Gucci và Louis Vuitton. Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Elle, Vidyuth Srinivasan - CEO Entrupy nhấn mạnh mục đích chính của công nghệ này là củng cố niềm tin của khách hàng và cung cấp khả năng xác minh sản phẩm từ bên thứ ba. Ông cho biết điều này giúp người tiêu dùng cảm thấy chắc chắn về nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo rằng có tổ chức thứ ba đang tham gia xác nhận sản phẩm.
Lĩnh vực bán lẻ hiện đại luôn ưu tiên xu hướng cá nhân hóa cho người tiêu dùng. Theo báo cáo năm 2023 của công ty nghiên cứu thị trường Segment, 56% người tiêu dùng có khả năng trở thành khách hàng thường xuyên của một thương hiệu có trải nghiệm được cá nhân hóa. Báo cáo nhấn mạnh rằng lòng trung thành của khách hàng phụ thuộc vào trải nghiệm đối với thương hiệu. Và điều này hoàn toàn có thể được cải thiện bằng các công cụ AI.
Từ tháng 8/2023, thương hiệu thời trang Stitch Fix của Anh đã sử dụng AI để tạo hồ sơ phong cách cá nhân cho từng khách hàng. Công cụ của Stitch Fix thu thập 90 điểm dữ liệu cụ thể thông qua khảo sát chi tiết, bao gồm kiểu dáng, cỡ váy, chiều cao và vị trí địa lý của khách hàng, cho phép các thuật toán đề xuất những trang phục phù hợp với sở thích cá nhân từng người. Còn công ty thời trang Styleriser của Đức cũng tận dụng AI để cung cấp giải pháp tư vấn hình ảnh cá nhân hóa cho từng khách hàng. Công cụ của Styleriser sẽ đóng vai trò trợ lý mua sắm kỹ thuật, giúp đề xuất các màu sắc lý tưởng dựa trên tông màu da của từng khách hàng.
Trước đó, vào tháng 4/2023, Tuần lễ thời trang AI đã thu hút đông đảo sự chú ý của những tín đồ thời trang lẫn công nghệ trên toàn thế giới. Có đến hơn 60% người tham dự sử dụng nền tảng Midjourney để tạo nên sản phẩm làm từ AI. Ngoài ra, rất nhiều hoạt động khác tại tuần lễ này cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của AI đối với thời trang trong hiện tại và các tiềm năng trong tương lai.
Dù vậy, theo các chuyên gia, vì nhiều mặt hạn chế khác nhau, AI vẫn chưa đủ khả năng để thay thế con người, cụ thể là các nhà thiết kế thời trang. Bởi vì một phần quan trọng của công việc thiết kế thời trang là khả năng tư duy sáng tạo, hình thành các ý tưởng độc lập và mang tính cá nhân của nhà thiết kế. Họ có thể phân tích, tạo ra những mẫu thiết kế độc đáo, thú vị dựa trên sự phân tích, phối hợp các loại màu sắc, họa tiết, cách cắt may cùng nhiều yếu tố khác để tạo nên tính sáng tạo trong sản phẩm. AI chỉ có thể đóng vai trò gợi ý, thiết kế dựa trên các dữ liệu có sẵn, còn những ý tưởng mới sẽ do các nhà thiết kế quyết định.
Đồng thời, khi thiết kế sản phẩm, khả năng tạo mẫu rất quan trọng. Nhà thiết kế sẽ tạo ra những mẫu thử, thử nghiệm trực tiếp trên chất liệu đó, đây là một quá trình tương tác, tưởng tượng trực tiếp giữa con người với chất liệu để cảm nhận rõ ràng nhất về sản phẩm. Mặc dù AI có khả năng phán đoán, phân tích xu hướng và nắm bắt hành vi mua sắm, nhưng con người vẫn có một độ nhạy nhất định trong việc cảm nhận các giá trị thẩm mỹ. Vì thời trang không chỉ là những bộ váy áo được diện lên người, nó còn là niềm đam mê và tình yêu mà từng nhà thiết kế gửi gắm vào từng bộ trang phục mà mình tạo nên.