Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Xuất nhập khẩu mới đây, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu có sự suy giảm so với năm 2022 do tổng cầu suy yếu, tuy nhiên trong nửa cuối năm xuất khẩu đã dần phục hồi.
Đáng chú ý, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và nhóm hàng nông sản, thuỷ sản đã có sự phục hồi khá. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
ĐIỂM SÁNG TRONG THÁCH THỨC
Theo Cục xuất nhập khẩu, hết quý 1/2023, xuất khẩu ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi từ cuối quý 2/2023, khi xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước. Cụ thể, tháng 5 tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8%, tháng 9 tăng 9%.
Đến cuối quý 3/2023, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu ước đạt khoảng 354-355 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,5% so với năm 2022.
Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Sau 11 tháng năm 2023, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 322,6 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trị giá xuất khẩu giảm 7,2% (đạt 236,5 tỷ USD).
Xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản tăng so với năm trước. 11 tháng đầu năm đạt kim ngạch 29,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu rau quả đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70%; hạt điều tăng 17,2%, cà phê tăng 0,4%; xuất khẩu gạo đạt 7,64 triệu tấn, trị giá đạt 4,3 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và 34,1% về trị giá.
Cán cân thương mại cả năm tiếp tục vị thế xuất siêu trong các năm trước. Mức thặng dư hàng hoá ước đạt 26 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Mặt khác, doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trị giá kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao. 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu có sử dụng C/O đạt 64 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng.
Xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần giúp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phục hồi, 11 tháng đạt 55,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu 11 tháng đạt 262,4 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng kim ngạch; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu khoảng 16,8 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 5,7%, giảm 17,7% so với cùng kỳ.
ĐẨY MẠNH TẬN DỤNG CÁC CAM KẾT TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH FTA
Mặc dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp nhưng Cục xuất nhập khẩu đánh giá, về cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu năm 2023 ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%).
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp.
Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, cho thấy những khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chưa tăng mạnh, cho thấy đơn hàng xuất khẩu dù đã phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn.
Bước sang 2024, Cục nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục xuất nhập khẩu cho rằng rất cần sự triển khai đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng động doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Đồng thời tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu.
Tiếp tục thúc đẩy chuyển nhanh, mạnh sang thương mại chính ngạch. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới. Triển khai thực thi các Chiến lược, Chương trình hành động về xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistics, phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu…