December 20, 2023 | 16:19 GMT+7

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt hơn 430 triệu USD

Chu Khôi -

Trong 11 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái), dự kiến cả năm đạt hơn 430 triệu USD. Đáng chú ý, trong 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu thịt gia cầm tăng mạnh, đạt hơn 4000 tấn, trị giá 10,55 triệu USD; tăng 250% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022…

Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu sản lượng thịt lợn hơi năm 2024 đạt trên 4,87 triệu tấn, tăng 4,0% so với năm 2023.
Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu sản lượng thịt lợn hơi năm 2024 đạt trên 4,87 triệu tấn, tăng 4,0% so với năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của ngành chăn nuôi, chiều 19/12/2023, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngành chăn nuôi năm 2023 tiếp tục vượt khó, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

4 "ĐIỂM SÁNG" VÀ 3 "ĐIỂM TỐI"

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn năm 2023 ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định mặc dù chịu nhiều áp lực về giá thức ăn chăn nuôi, giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, nhập lậu… nhưng đàn vật nuôi vẫn được duy trì ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn; hơn nữa sức tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của lạm phát, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm.

 

"Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại). Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022".

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

“Số liệu thống kê các tháng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại cho thấy giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn giá năm 2022, nhiều thời điểm nông dân chăn nuôi lợn thua lỗ. Tuy vậy, chăn nuôi lợn vẫn có kết quả tích cực dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhưng chưa đáng kể và vẫn còn ở mức cao”, ông Đăng chia sẻ.

Ông Phạm Kim Đăng chỉ ra rằng sự phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như tình trạng nhập lậu và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống có năng suất, chất lượng cao); liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; kiểm soát an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và quản lý môi trường chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Quang cảnh hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi.
Quang cảnh hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhận định ngành chăn nuôi năm 2023 có 4 “điểm sáng”. Đó là, mặc dù khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, nhiều ngành hàng tăng trưởng dương; xu thế chăn nuôi quy mô lớn và công nghệ cao ngày càng phát triển; tuy số lượng chưa nhiều nhưng tỷ lệ xuất khẩu tăng trưởng cao; đã kiểm soát khá tốt một số dịch bệnh, đặc biệt là gia cầm.

Tuy nhiên, 3 “điểm tối” còn tồn tại, theo ông Sơn, đó là mặc dù tăng trưởng đầu con nhưng giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của một số ngành hàng khá thấp, thậm chí nhiều con nuôi còn lỗ; giá thịt hơi tăng cao hơn so với năm 2022; có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

"Cục Chăn nuôi cần có phương án điều tiết như thế nào để tất cả cùng đi một con đường, chứ không chỉ vài năm tới chỉ còn các doanh nghiệp FDI kiểm soát. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của ngành chăn nuôi đang có vấn đề và bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều lĩnh vực chưa chọn đúng điểm rơi nên chưa kiểm soát được giá thành sản phẩm ngành chăn nuôi. Chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn, giá thành đạt xấp xỉ mức giá trên thế giới”, ông Sơn khuyến nghị.

NĂM 2024, NGÀNH CHĂN NUÔI ĐẶT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 4-5%

Đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi nhận xét: Chăn nuôi năm qua phát triển tốt, đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung và chăn nuôi công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã chuyển sang chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn giảm giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi…

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, đó là tại các địa phương hình thành vùng chăn nuôi tập trung. Vì vậy, Cục Chăn nuôi cần có phương án phòng dịch để không bị lây nhiễm chéo từ trang trại này sang trang trại khác.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2023 ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022).Giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đều giảm so với năm 2022: ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); ngô lên men 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%).

Mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trung bình cả năm 2023 giảm so với năm 2022, nhưng giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7 - 3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023 đến nay. 

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho rằng sản lượng tăng trưởng trong lúc khó khăn, tổng cung tổng cầu thay đổi vẫn tăng trưởng, khả năng tiêu thụ thấp nhưng vẫn tăng trưởng cao, đó là bài toán khó đặt ra cho ngành chăn nuôi. Do đó, phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045".

Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30%

Mục tiêu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn tăng 3,1%; sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả tăng 3,7%; sản lượng sữa đạt trên 1,28 triệu tấn tăng 6,7%; sản lượng mật ong là 25,8 ngàn tấn tăng 9,8%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2023".

Ðể đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị trong khối chăn nuôi căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực, trách nhiệm và hiệu quả một số nhiệm vụ cụ thể, như tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Đồng thời, khối chăn nuôi khẩn trương triển khai các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc ăn cỏ nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng xã hội, tập trung nguồn lực thiết yếu để xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi tiềm năng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt phải chủ động tổ chức sản xuất, không được ngồi chờ. Bộ đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước cho rồi thì không được làm đối phó, nửa vời, phải làm thực chất, có kết quả, hiệu quả.

“Lĩnh vực khoa học công nghệ, giống gốc, chương trình giống… các đơn vị được giao nhiệm vụ phải thay mặt Bộ để thẩm định, kiểm soát chặt chẽ vấn đề về giống. Các đề nghiên cứu khoa học còn nợ, chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu đề ra phải đẩy nhanh tiến độ vì sắp hết thời hạn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate