Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam vừa công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020.
Đây là năm đầu tiên đánh giá chỉ số chuyển đổi số (Digital Transformation Index- DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá Chỉ số chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến.
BỘ TÀI CHÍNH, ĐÀ NẴNG DẪN ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Theo báo cáo DTI 2020, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu (đạt giá trị DTI là 0,4944). Cụ thể, trong năm, bộ này đã có nhiều hoạt động chuyển đổi số nổi bật như: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã đạt 50%. Đồng thời 100% ứng dụng của Bộ Tài Chính được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP cấp bộ.
Hiệu quả các hoạt động cũng được chứng minh qua việc phục vụ người dân và doanh nghiệp như: gần 99,9% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kê khai thuế diện tử; hơn 99,4% doanh nghiệp tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử; gần 96,3% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử. Số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến đạt hơn 98 triệu trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý (hơn 109,8 triệu hồ sơ) trong năm 2020, đạt 89,3%. Tổng số lượt truy cập trên cổng thông tin điện tử của Bộ này năm qua gần 3,4 triệu lượt…
Xếp sau Bộ Tài Chính là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ… Xếp cuối bảng trong số 18 bộ, ngành được đánh giá là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.
Trong số 7 bộ, cơ quan nganh bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không có dịch vụ công, Đài Truyền hình Việt Nam xếp vị trí thứ nhất với giá trị DTI là 0,2995.
Ở cấp tỉnh, đánh giá DTI thực hiện với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, có 33 tỉnh, thành phố có giá trị DTI đạt trên trung bình, chiếm 52%. Kết quả xếp hạng DTI 2020 cho thấy, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2020, với giá trị đạt được là 0,4874. Đây cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Báo cáo nhận xét, kết quả này phản ánh đúng năng lực của Đà Nẵng qua việc nhiều năm liên tiếp được xếp ở vị trí top đầu tại báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử, báo cáo ICT Index. Thực tế, Đà Nẵng có nhiều sản phẩm chuyển đổi số đưa vào sử dụng như: dữ liệu số trong thay thế thành phần hồ sơ giấy (hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…), trong cung cấp dịch vụ công, ứng dụng bản đồ dịch tễ Covid-19, ứng dụng thẻ QR Code…
Các vị trí tiếp sau Đà Nẵng trong Top 10 tỉnh, thành phố lần lượt là Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang và Bắc Giang. Có 8 tỉnh ở nhóm dưới 0,25 (chiếm 13%) gồm: Quảng Trị, Sóc Trăng, Kon Tum, Bắc Kạn, Quảng Bình, Cao Bằng, Phú Yên và Ninh Thuận.
ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH CÔNG CẦN PHẢI CÓ “THƯỚC ĐO”
Từ kết quả DTI 2020 trung bình cho thấy, chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 đang trong giai đoạn bắt đầu, chỉ số còn thấp.
Việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số, 50/92 bộ, ngành và địa phương đã ban hành Chương trình/Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, cho rằng trên bình diện quốc gia, chuyển đổi số gồm 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu hơn và phát triển xã hội số cho người dân hạnh phúc hơn.
Muốn chuyển đổi số thành công, phải có “đồng hồ”, “thước đo” để biết chúng ta có đi đúng hướng, đi tốc độ nào trên chặng đường chuyển đổi số. Nói cách khác, chúng ta cần 1 bộ chỉ số đo lường về mức độ chuyển đổi số.
Trên bình diện các bộ, chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi số trong hoạt động của bộ, không chỉ đơn giản là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, mà còn là dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Còn trên bình diện địa phương, chuyển đổi số gồm 3 trụ cột lần lượt là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số trong phạm vi địa phương đó.
Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vì vậy chủ đề năm 2020 được chọn là “Chuyển đổi số khởi đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động”.
Với quan điểm coi chuyển đổi số là một quá trình, không phải là đích đến, ông Dũng khẳng định, muốn chuyển đổi số thành công, phải có “đồng hồ”, “thước đo” để biết có đi đúng hướng, đi tốc độ nào trên chặng đường chuyển đổi số. Nói cách khác, chúng ta cần 1 bộ chỉ số đo lường về mức độ chuyển đổi số.
Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số. Cũng như nhiều bộ đo lường xếp hạng khác, bộ chỉ số chuyển đổi số chỉ có ý nghĩa tương đối. Do đó, mong muốn các cơ quan, tổ chức, các bộ, tỉnh coi đây là 1 bộ chỉ số để tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình.
Có thể thấy, kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 đã cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, trong năm đầu tiên này, báo cáo đã thành công trong việc vẽ ra bức tranh toàn diện của chuyển đối số.
“Đi vào chiều sâu của chuyển đổi số sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới, đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia", ông Hồng nói và cho rằng, bộ chỉ số sẽ là “chỉ dấu” quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào; những hạn chế cần cải thiện. Điều này cũng đặt ra yêu cầu bộ chỉ số DTI cần trọng tâm hơn nữa; chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của chuyển đổi số.