Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Việt Nam vừa phối hợp với trường Đại học FPT Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm cùng sinh viên nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh công nghệ số hóa ngày càng phát triển.
PHỤ NỮ, TRẺ EM GÁI CÓ NHIỀU NGUY CƠ BỊ BẠO LỰC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Xu thế số hóa trên thế giới mở ra một cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững. Công nghệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, thông tin và kiến thức; thúc đẩy sự tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà con người tiếp cận được thì cũng có nhiều nguy hại mà thế giới kỹ thuật số gây ra, đặc biệt phụ nữ, trẻ em gái là những người đang chịu nhiều tác động nhất, đặc biệt là bị phân biệt đối xử và bạo lực.
Theo báo cáo năm 2023 của Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI), đã phỏng vấn hơn 18.000 người trên toàn cầu cho thấy, gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng đã từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Gần 30% phụ nữ báo cáo những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ và 23% cảm thấy rằng họ không còn có thể tham gia trực tuyến tự do sau khi trải qua bạo lực giới trên không gian mạng.
Báo cáo Thực trạng Trẻ em gái Thế giới năm 2020, do Plan International thực hiện tại 31 quốc gia với hơn 14.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ cũng cho thấy, 58% trẻ em gái được khảo sát đã bị quấy rối và xâm hại trực tuyến, và 85% trong số họ đã trải qua nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới trên không gian..
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và kỹ thuật số đã đem lại nhiều cơ hội, thành quả to lớn cho sự phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức nguy cơ mới cho hầu hết các lĩnh vực.
Tại Việt Nam, vấn đề phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, việc bảo vệ trẻ em và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên không gian mạng là một trong những nội dung được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quan tâm và cam kết thực hiện.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với nhiều quy định và giải pháp cụ thể. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa bạo lực trên không gian mạng luôn được quan tâm, đẩy mạnh triển khai.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vấn đề về trẻ em trên môi trường mạng, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
NHẬN DIỆN CÁC HÌNH THỨC BẠO LỰC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG ĐỂ PHÒNG NGỪA
Từ thực tiễn đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, cuộc tọa đàm nhằm mục tiêu cung cấp thông tin, kỹ năng, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên có cái nhìn toàn diện, đa chiều về các hình thức bạo lực trên không gian mạng, để có kỹ năng bảo vệ, phát hiện và ngăn chặn khi sử dụng mạng.
Đồng thời, cũng khuyến khích cơ sở đào tạo lồng ghép, đưa các nội dung về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực và các thực hành có hại trên môi trường mạng vào chương trình giảng dạy.
Thứ trưởng Hà khẳng định, các thông tin chia sẻ tại toạ đàm, cũng như những ý tưởng, sáng kiến mới mẻ trong thiết kế và phát triển các công nghệ đáp ứng giới, an toàn cho người dùng sẽ là những cơ sở quan trọng giúp cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, trên không gian mạng và sử dụng công nghệ nói riêng.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson cũng khẳng định rằng, mặc dù quá trình số hóa trên thế giới mang lại những cơ hội phát triển đáng kể nhưng đây cũng là không gian mà nhiều mối nguy hại có thể xảy ra. Công nghệ và những không gian mạng ngày càng bị sử dụng sai mục đích và gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái trên cơ sở giới của họ.
“Giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ, vốn là một lĩnh vực ngày càng được nhiều người quan tâm, không còn có thể thương lượng được nữa. Đảm bảo rằng mọi người có thể tự do tham gia không gian mạng mà không sợ bạo lực và xâm hại là điều quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ có thể thực hiện hiệu quả quyền tự do ngôn luận của mình. Do đó, hãy cùng nhau hợp tác để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng. Tất cả không gian, dù là thế giới ảo hay thực, đều không được có bạo lực trên cơ sở giới”, ông Matt Jackson nói thêm.
Tại Tọa đàm, hơn 400 sinh viên có được cơ hội nghe và trao đổi với các diễn giả, các chuyên gia về các nguy cơ, cách nhận diện và các kỹ năng, kinh nghiệm nhằm phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại không gian mạng và những chính sách, giải pháp của Nhà nước nhằm giảm thiểu hướng tới chấm dứt tình trạng này.