Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện 8) đã điều chỉnh để phù hợp với cam kết trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) sẽ đóng góp 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045.
VƯỚNG MẮC NGAY TỪ CƠ CHẾ
Dự báo của Viện Năng lượng cho thấy, với tốc độ phát triển như hiện nay và trong tương lai, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao, khoảng 8,5%/năm đến 2030 và 4%/năm giai đoạn 2031- 2045. Vì vậy, nguồn điện phải tăng cao đáp ứng nhu cầu.
Dự báo đến 2025, công suất nguồn cần phải đạt trên 300 tỷ kWh, năm 2030 sẽ là 600 tỷ kWh và năm 2045 là 1.200 tỷ kWh. Cùng với nguồn điện, lưới truyền tải cần được nâng cấp và xây dựng mới đảm bảo cung cấp điện.
Theo tính toán của tư vấn lập Quy hoạch điện 8, nếu đầu tư phát triển điện lực thông thường (nhiệt điện, thủy điện…) giai đoạn 2021 - 2045, Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đầu tư nguồn và lưới điện.
Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 đòi hỏi vốn đầu tư tăng 33%, tương ứng khoảng 532 tỷ USD (mỗi năm tăng 5 tỷ USD). Điều này có thể dẫn tới giá điện trung bình tăng tương ứng khoảng 30%.
Để phát triển hiệu quả năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng cho rằng cần xây mới các đường truyền tải với sự đóng góp của đầu tư tư nhân.
Cơ cấu nguồn điện cũng phải đa dạng, tính đến lưu trữ, sản xuất các loại nhiên liệu mới như hydro “xanh”, Amoniac - (NH3) nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời cần thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) để giữ cân bằng công suất điện trong hệ thống.
Tuy nhiên, tại diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” mới đây, đại diện các địa phương, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và cũng chính là những “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo, như công tác quy hoạch, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, giá điện, thu xếp vốn đầu tư.
Về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực, cho biết thời gian qua, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng “nóng” của điện gió và điện mặt trời trong các năm vừa qua đã dẫn đến mất cân đối nguồn – tải theo miền. Thực tế, hiện có 96% nguồn điện mặt trời và toàn bộ nguồn điện gió đã vận hành tại miền Trung và miền Nam, trong khi chỉ có 4% nguồn điện mặt trời đã vận hành tại miền Bắc.
“Rất nhiều thủ tục trong quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án BOT, dẫn đến thời gian cấp phép kéo dài. Các dự án đều vướng vấn đề giải phóng mặt bằng. Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện đang cao nên gây ảnh hưởng tăng giá thành điện. Về kỹ thuật, nguồn dự phòng hiện nay chưa đủ để có thể hấp thụ nhiều nguồn năng lượng tái vốn phụ thuộc vào thời tiết. Ngay cả với dự thảo Quy hoạch điện 8 mới nhất, việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 vẫn hết sức khó khăn”, ông Hiếu nhận định.
Về tài chính, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, tiềm ẩn rủi ro, công suất và sản lượng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Đồng tình và chia sẻ thêm về vấn đề tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết còn một số khó khăn về nguồn vốn do đầu tư năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn 5 - 10 năm, trong khi đó, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại phải tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
“Các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn quá ngắn nên các nhà đầu tư, cũng như tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư. Thời gian quan trắc dữ liệu tốc độ gió các dự án điện gió còn quá ít để có thể đánh giá một cách tin cậy sản lượng điện hàng năm trong dự toán”, bà Tùng nhấn mạnh.
CẦN NHỮNG CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ ĐỂ THÁO GỠ
Nhận định nguồn vốn đầu tư là một thách thức đối với phát triển năng lượng tái tạo, vì vậy theo bà Tùng, để hóa giải được thách thức này, cần có chính sách đột phá trong việc khuyến khích, phát triển năng lượng tái tạo bền vững.
Theo đó, cần sớm xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo...
“Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần sớm ban hành chính sách về giá điện trong thời gian tới, bảo đảm minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xây dựng các quy định chi tiết về trái phiếu “xanh” như ban hành các quy định, điều kiện về trái phiếu “ xanh”, các tiêu chuẩn lựa chọn dự án “xanh” đối với doanh nghiệp”, bà Tùng đề nghị.
Về vấn đề lưới điện truyền tải, một số doanh nghiệp cho rằng còn chưa đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo cả hiện tại cũng như trong tương lai. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này cần có những giải pháp đột phá, trong đó có việc cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện.
Bên cạnh đó, cùng với việc ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng nội địa, ưu tiên phát triển tổng thầu EPC trong nước, các chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án năng lượng tái tạo cũng cần rõ ràng hơn. Việc sớm ban hành các hành lang pháp lý rõ ràng sẽ giúp thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải điện gắn với phát triển năng lượng bền vững.
Để có thể huy động năng lượng tái tạo tối ưu, chất lượng, đảm bảo mục tiêu phát triển đặt ra, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết tới đây, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi bổ sung Luật Điện lực để hoàn chỉnh cơ chế chính sách về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối.
Trong đó, cơ chế phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, thị trường đã thay đổi, để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới.
Khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030 của Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, việc thay thế điện than bằng các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác là cách đi bắt buộc phải theo.