Châu Á, châu Âu và Mỹ đều ghi nhận mức nhiệt đỉnh điểm trong những ngày gần đây (17/7), khi nhiệt độ toàn cầu tăng cao lên mức báo động và trong bối cảnh Mỹ tìm cách nối lại ngoại giao khí hậu với Trung Quốc - hãng Reuters đưa tin.
Khu vực phía Tây và phía Nam của Mỹ bị thiêu đốt bởi nhiệt độ kỷ lục, trong khi phía Đông Bắc hứng chịu mưa lớn gây lũ lụt, còn vùng Trung Tây chìm trong khói cháy rừng. Một vòm nhiệt ở vùng phía Tây của Mỹ đã đẩy nhiệt độ ghi nhận tại thung lũng Death Valley ở bang California lên 128 độ F, tương đương 53 độ C, vào hôm Chủ nhật - một trong những mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất trong suốt 90 năm qua.
Nhiệt độ ở thành phố Phoenix của bang Arizona chạm 114 độ F (45,5 độ C) vào ngày thứ Hai, lập kỷ lục 18 ngày liên tiếp trên 110 độ F. Theo dự báo thời tiết, chuỗi kỷ lục này có thể kéo dài thêm ít nhất 1 tuần nữa.
Đợt sóng nhiệt này ở Mỹ xảy ra đồng thời với tình trạng nhiệt độ cực đoan ở nhiều nơi khác ở bán cầu Bắc
Thị trấn Sanbao ở phía Tây Bắc Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục ở nước này là 52,2 độ C. Cháy rừng đang bùng lên ở châu Âu trước một đợt sóng nhiệt thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần ở khu vực này, với mức nhiệt dự kiến có thể lên tới 48 độ C. Nhà chức trách ở Italy và Pháp đã ra cảnh báo về sức khoẻ liên quan đến nắng nóng.
Ngay cả ở Phoenix, nơi đã quen với thời tiết nắng nóng, đợt nắng nóng kéo dài đang thử thách người dân và khiến các quan chức lo lắng. Tổ chức từ thiện quốc tế Salvation Army đã mở 11 trung tâm làm mát và gửi một đơn vị lưu động để chuyển hàng cứu trợ cho những người vô gia cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận các địa điểm làm mát.
Ông Scott Johnson, phát ngôn viên của Salvation Army ở Tây Nam nước Mỹ, nhận định: “Nắng nóng cực độ là thảm họa tự nhiên của Arizona. Vì vậy, đối với Salvation Army, đây là một phản ứng với thảm họa”.
Cái nóng đã khiến 425 người ở hạt Maricopa thuộc khu vực Phoenix thiệt mạng vào năm ngoái, vì vậy đơn vị cơ động của Salvation Army đang tiến hành phân phát khẩn cấp nước lạnh, mũ, kem chống nắng và bộ dụng cụ vệ sinh cho những người có nhu cầu.
“Có cảm giác như bạn đang ở trong máy sấy, máy sấy ở tiệm giặt là. Thật sự ngột ngạt”, bà Cristina Hill, một phụ nữ vô gia cư được Salvation Army hỗ trợ, cho biết.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu do khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây chết người nhiều hơn. Họ nói rằng các chính phủ cần phải có những hành động quyết liệt để giảm lượng lượng, nhằm ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus Climate Change Service của Liên minh châu Âu (EU) cho biết năm 2022 và 2021 là hai năm có mùa hè nóng nhất được ghi nhận ở lục địa này.
Nhiệt độ toàn cầu tăng lên ngưỡng cực đoan đã nhấn mạnh tính cấp bách trong các cuộc đàm phán đã được nối lại giữa Trung Quốc và Mỹ về biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi các nhà khoa học cho biết mục tiêu giữ cho Trái Đất nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp đang vượt quá tầm với.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua tại Bắc Kinh, kêu gọi hành động chung để cắt giảm lượng khí thải methane và việc dùng than để phát điện.
“Trong ba ngày tới, chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu thực hiện một số bước đi lớn để gửi tín hiệu tới thế giới về mục đích nghiêm túc của Trung Quốc và Mỹ nhằm giải quyết rủi ro, mối đe dọa, thách thức chung đối với toàn nhân loại do chính con người tạo ra”, ông Kerry nói.
Nhiệt độ cao kéo dài ở Trung Quốc đang đe dọa lưới điện và mùa màng, đồng thời làm dấy lên mối lo về khả năng lặp lại một đợt hạn hán như năm ngoái - đợt hạn nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua ở nước này.
Một đợt sóng nhiệt nghiêm trọng và kéo dài cũng đang hoành hành ở châu Âu. Bộ Y tế Italy hôm thứ Hai đã ban hành cảnh báo thời tiết màu đỏ - báo hiệu mối đe dọa sức khỏe có thể xảy ra đối với bất kỳ ai tiếp xúc với sức nóng - đối với 20 trong số 27 thành phố lớn của nước này trong ngày thứ Ba, với con số dự kiến sẽ tăng lên 23 thành phố vào ngày thứ Tư.
Cơ quan y tế cộng đồng của Pháp cho biết đợt nắng nóng kéo dài hiện nay có thể sẽ khiến nhiều người phải nhập viện hoặc thiệt mạng, giống như các đợt nắng nóng đã xảy ra hầu như vào mọi mùa hè kể từ năm 2015.
Tại Hàn Quốc, mưa xối xả đã khiến 40 dngười thiệt mạng do đê sông bị vỡ gây lũ quét. Đợt mưa lớn này là sự tiếp nối đợt mưa lớn kỷ lục được ghi nhận ở thủ đô Seoul vào năm ngoái.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết các đợt nóng và lượng mưa cực đoan trên thế giới dự kiến sẽ kéo dài sang tháng 8. “Ở nhiều nơi trên thế giới, hôm nay (17/7) được dự đoán là ngày nóng nhất từng được ghi nhận”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ,viết trên Twitter.
Số người đã chết ở châu Âu vì các đợt nắng nóng vào mùa hè năm ngoái có thể lên tới 61.000 người, và điều đáng lo ngại là khả năng lặp lại bi kịch đó trong mùa này.
Ông Robert Vautard, nhà khoa học khí hậu và Giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, phát biểu: “Lo lắng của tôi thực sự là vấn đề sức khỏe - sức khỏe của những người dễ bị tổn thương sống ngay dưới mái nhà của những ngôi nhà không được chuẩn bị cho nhiệt độ cao như vậy. Điều đó có thể dẫn tới nhiều ca tử vong”.