Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/10) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với Nasdaq thiết lập đỉnh cao mọi thời đại nhờ mức tăng ấn tượng của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, trong khi hai chỉ số chính còn lại cùng giảm. Giá dầu thô tăng mạnh và hoàn tất một tuần với mức tăng hơn 4% do căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 0,56%, đạt kỷ lục 18.518,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,03%, còn 5.808,12 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 259,96 điểm, tương đương giảm 0,61%, còn 41.114,4 điểm.
Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn được mua mạnh trước khi các Big Tech công bố báo cáo tài chính quý 3/2024. Nvidia, Meta Platforms, Amazon và Microsoft đều chốt phiên trong trạng thái xanh.
Áp lực bán cổ phiếu nói chung giảm bớt một phần khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tạm dừng đà leo thang sau khi lập đỉnh của 3 tháng trên 4,25% thiết lập vào hôm thứ Tư. Ngày thứ Sáu, lợi suất của kỳ hạn này tăng nhẹ so với phiên trước, đạt 4,24% vào cuối phiên.
“Lợi suất trái phiếu đã tăng đáng kể, và tôi cho rằng đó là một vấn đề đối với thị trường chứng khoán. Một mặt, tình hình lợi nhuận của các công ty niêm yết là ổn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Nhưng lãi suất quan trọng bây giờ là lợi suất trái phiếu. Lợi suất tăng gây ra nhiều sự bất định khiến nhà đầu tư phải suy ngẫm về nó”, chiến lược gia Phillip Colmar của công ty MRB Partners nhận xét.
Dưới sức ép từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng gần 1% và 2,7% trong tuần này, chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp trước đó. Nasdaq tăng 0,2% cả tuần, nối dài chuỗi tuần tăng lên 7 tuần.
Hầu như không có số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố trong tuần này, và báo cáo kinh tế mà giới đầu tư ở Phố Wall đang chờ đợi là báo cáo việc làm tháng 10 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào tuần tới. Dữ liệu này sẽ giữ vai trò quan trọng đối với kỳ vọng của thị trường về động thái tiếp tục của Fed cũng như diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng hơn 95% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 và khả năng chưa đầy 5% Fed giữ nguyên lãi suất.
Giới phân tích cho rằng thị trường sẽ còn biến động khó lường trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11. Mức độ bất định liên quan tới cuộc bầu cử này đang lớn, bởi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khả năng thắng cử của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris có sự chênh lệch không lớn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,67 USD/thùng, tương đương tăng 2,25%, chốt ở mức 76,05 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,59 USD/thùng, tương đương tăng 2,27%, chốt mức 71,78 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 4% và giá dầu WTI tăng 3,7%. Động lực tăng chính của giá dầu trong tuần này là tình hình địa chính trị ở Trung Đông còn căng thẳng.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group cho rằng giá dầu còn diễn biến không rõ xu hướng cho tới khi “chúng ta có được câu trả lời về Israel, về chiến tranh ở Trung Đông và về bầu cử Mỹ”.
Một yếu tố gây áp lực giảm lên giá dầu ở thời điểm hiện tại là xu hướng tăng của đồng USD, một phần do nhà đầu tư mua mạnh đồng bạc xanh để phòng ngừa rủi ro trước thềm bầu cử ở Mỹ, bầu cử ở Nhật, và các cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của ba ngân hàng trung ương lớn.
Theo dự kiến, giới chức Mỹ và Israel sẽ tái khởi động của đàm phán về ngừng bắn và phóng thích con tin ở dải Gaza sau vài ngày nữa.
Trong khi đó, theo tin tức vào thời điểm hơn 8h sáng nay (26/10) theo giờ Việt Nam, Israel đã tấn công vào các mục tiêu quân sự của Iran. Đây có thể là cuộc tấn công trả đũa của Israel đối với vụ tấn công tên lửa của Iran hôm 1/10. Giới phân tích đang chờ xem liệu hạ tầng dầu khí của Iran có trở thành mục tiêu của Israel hay không.
Thị trường cũng đang chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn về các chính sách kích thích của Trung Quốc, mặc dù các nhà phân tích không kỳ vọng các biện pháp đó sẽ mang lại một cú huých lớn cho nhu cầu tiêu thụ dầu.
Goldman Sachs hôm thứ Năm giữ nguyên dự báo giá dầu ở mức từ 70-85 USD/thùng đối với dầu Brent vào năm 2025. Các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ này kỳ vọng tác động đối với giá dầu từ bất kỳ biện pháp kích thích nào của Trung Quốc sẽ ít hơn so với các động lực như nguồn cung dầu ở Trung Đông.
Bank of America dự báo dầu thô Brent sẽ đạt bình quân 75 USD/thùng vào năm 2025 nếu OPEC+ không tăng sản lượng trở lại. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.