Về lĩnh vực thương mại, đề xuất tăng thuế quan của ông Trump có thể mang về 3 nghìn tỷ USD cho ngân sách Mỹ trong vòng 10 năm. Chính sách này có thể tác động tiêu cực tới quan hệ của Mỹ với các đối tác thương mại lớn.
Trong khi đó, lập cứng rắn của ông Trump trong chính sách nhập cư cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn nhiều quốc gia có người nhập cư nhiều nhất vào Mỹ, đặc biệt là Mỹ Latin.
Đồ thị thông tin gồm các quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi các chính sách của ông Trump, dựa trên Chỉ số Rủi ro Trump của tạp chí The Economist.
Chỉ số Rủi ro Trump phân tích mức độ ảnh hưởng và nguy cơ dễ bị tổn thương đối với 70 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với các thay đổi chính sách nếu ông Trump tái đắc cử. Điểm số được tính toán dựa trên các tiêu chí về thương mại, an ninh và nhập cư.
Cụ thể, về thương mại, các tiêu chí được phân tích gồm các mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm vào Mỹ, sự phụ thuộc vào hàng hóa và thương mại, cân bằng thương mại song phương. Về an ninh, các tiêu chí gồm hỗ trợ quân sự của Mỹ, sự hiện diện của quân đội Mỹ, chi tiêu quân sự, chi tiêu cho vũ khí của Mỹ. Về nhập cư, tiêu chí gồm số lượng thị thực Mỹ, kiều hối.
Tính chung, Mexico là quốc gia đối mặt rủi ro cao nhất nếu ông Trump tái đắc cử, chủ yếu do thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Một trọng tâm lớn trong chương trình nghị sự của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại với các đối tác kinh tế. Điều này gây rủi ro lớn của Mexico không chỉ bởi nước này có thâm hụt thương mại 152 tỷ USD với Mỹ mà còn bởi phần lớn các mặt hàng sang Mỹ của Mexico là hàng nhạy cảm chính sách như ô tô, nhôm và thép.
Từ đồ thị có thể thấy, các quốc gia Mỹ Latin như Costa Rica và Panama, cũng đối mặt rủi ro về an ninh cao dưới chính quyền Trump do phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự của Mỹ cũng như chịu tác động lớn bởi thay đổi chính sách nhập cư của Washington.
Đứng thứ ba trong danh sách là Đức. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt rủi ro lớn trước thay đổi chính sách an ninh của Mỹ dưới chính quyền Trump. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump từng thúc giục Đức và các thành viên thuộc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quân sự và có thể tiếp tục gây áp lực về vấn đề này nếu ông trở lại Nhà Trắng do cuộc chiến ở Ukraine hiện tại.
Để chuẩn bị cho tình huống đó, Đức dự kiến tăng ngân sách quân sự. Và lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, quốc gia này đang chuẩn bị lắp đặt vũ khí tầm xa của Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Trung Quốc cũng đối mặt rủi ro cao về thương mại do đề xuất tăng thuế mạnh trong chiến lược đẩy mạnh phân ly với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của ông Trump. Rủi ro lớn nhất là việc Mỹ có thể thu hồi Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc. Để chuẩn bị, Trung Quốc có thể chuyển sang tập trung vào thị trường tiêu dùng nội địa, đồng thời tăng cường quan hệ với các thị trường khác.
Việt Nam cũng có mặt trong danh sách này ở vị trí thứ 9. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm nước được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thay đổi trong chính sách thương mại của ông Trump nếu ông có nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.