October 02, 2023 | 14:07 GMT+7

Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu thoát đáy

Bình Minh -

Trước báo cáo PMI, Trung Quốc đã có một loạt số liệu khác cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định trở lại sau một thời gian mất đà phục hồi...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua đã tăng trưởng lần đầu tiên sau 5 tháng giảm liên tiếp. Dữ liệu này nối tiếp một loạt dấu hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đã bắt đầu thoát đáy.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - thước đo được thực hiện thông qua khảo sát các doanh nghiệp sản xuất lớn - của Trung Quốc tăng lên mức 50,2 điểm trong tháng 9 từ mức 49,7 điểm trong tháng trước đó, theo số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm thứ Bảy.

Với chỉ số PMI, mức trên 50 điểm phản ánh sự tăng trưởng và dưới 50 điểm cho thấy sự suy giảm. PMI tháng 9 của Trung Quốc cao hơn dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó là 50 điểm, hãng tin Reuters cho biết.

Đây là số liệu thống kê kinh tế tháng 9 chính thức đầu tiên được công bố của Trung Quốc. Trước báo cáo PMI, nước này cũng có một loạt số liệu khác cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định trở lại sau một thời gian mất đà phục hồi.

Đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc đã bật tăng mạnh mẽ sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp chống Covid hà khắc. Tuy nhiên sau đó, sự phục hồi ngày càng đuối đi dưới áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản, xuất khẩu sụt tốc, và tiêu dùng trong nước yếu.

Những tín hiệu đầu tiên về sự cải thiện của nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện trong tháng 8, với sản lượng của các nhà máy và doanh thu bán lẻ tăng tốc, tốc độ giảm của xuất nhập khẩu giảm bớt, và áp lực giảm phát được giải toả. Trong tháng 8, lợi nhuận của doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc gây bất ngờ với mức tăng trưởng 17,2%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% trong tháng 7.

“Chỉ số PMI ngành sản xuất, cộng thêm số liệu tốt về lợi nhuận công nghiệp, có vẻ nói lên một điều rằng nền kinh tế đang dần thoát đáy”, nhà kinh tế trưởng Zhou Hao của công ty Guotai Junan International nhận định.

Chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc - với các chỉ số thành phần đo hoạt động của lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, cũng tăng - đạt mức 51,7 điểm trong tháng 9 so với mức 51 điểm của tháng 8.

Chỉ số PMI tổng hợp, bao trùm cả hoạt động sản xuất và phi sản xuất, đạt 52 điểm trong tháng 9, từ mức 51,3 điểm của tháng 8.

Các số liệu kinh tế Trung Quốc ngắn hạn mà giới chuyên gia kinh tế quan tâm bao gồm tiêu dùng trong kỳ nghỉ Quốc khánh ở nước này. Kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” đã bắt đầu vào hôm thứ Sáu tuần trước với Tết Trung thu và sẽ kéo dài cho tới ngày 6/10.

Riêng vào hôm thứ Sáu, lượng hành khách đi đường sắt ở Trung Quốc đã đạt con số 20 triệu lượt, mức kỷ lục trong một ngày. Đây là một sự khởi đầu tốt đẹp mà nhà chức trách nước này dự báo sẽ mang lại “Tuần lễ Vàng thành công nhất trong lịch sử”.

Việc các chỉ số kinh tế trở nên ổn định hơn là điều mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc mong muốn vào thời điểm này, vì họ đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu kết thúc. Bắc Kinh đã công bố nhiều biện pháp nhằm cải thiện thị trường bất động sản, bao gồm giảm lãi suất mua nhà trả góp, nhưng dường như chưa đủ để vực dậy thị trường.

Giá nhà mới ở Trung Quốc trong tháng 8 giảm mạnh nhất 10 tháng, trong khi đầu tư bất động sản giảm tháng thứ 18 liên tiếp. Hôm thứ Năm tuần trước, China Evergrande Group - doanh nghiệp bất động sản nặng nợ nhất thế giới với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ - tuyên bố nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty công ty đang bị điều tra vì nghi vấn có hành vi phạm tội.

Tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 về 4,9% từ mức dự báo tăng 5% đưa ra hồi tháng 7. ADB cho biết cơ sở của động thái hạ triển vọng tăng trưởng này là thị trường bất động sản còn ảm đạm của Trung Quốc.

Giới phân tích nói rằng cần có thêm các biện pháp kích cầu để đảm bảo kinh tế Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm mà Chính phủ nước này đề ra.

“Nền kinh tế Trung Quốc dần ổn định trở lại một phần nhờ nới lỏng chính sách đối với thị trường bất động sản. Vấn đề chính trong thời gian tới là liệu chính sách tài khoá có hỗ trợ thêm hay không. Tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ tăng cường kích cầu bằng tài khoá, nhưng sự thay đổi lập trường chính sách tài khoá rất cần được đưa ra kịp thời này có vẻ như sẽ chỉ xảy ra vào năm tới thay vì năm nay”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate