Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trao đổi thông tin về các biện pháp hạn chế xuất khẩu, như một phần trong nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng xung quanh mất cân đối thương mại song phương và các vấn đề địa chính trị.
Theo hãng tin CNN, hai bên đã đạt nhất trí nói trên trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Valdis Dombrovskis, quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề thương mại của EU, vào đầu tuần này. Trong chuyến thăm, ông Dombrovskis nói rằng mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang ở “giai đoạn bức ngoặt” và các nhà xuất khẩu châu Âu cần có được khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc cần được cân bằng lại để mang lại lợi ích cho cả hai bên, trên cơ sở minh bạch, bình đẳng, dễ đoán định và có đi có lại. Tôi vui mừng khi thấy chúng ta đã đạt tiến bộ trong việc giải quyết một số vấn đề tiếp cận thị trường”, ông Dombrovskis nói trong một tuyên bố.
Nhân chuyến thăm của vị quan chức EU, hai bên cũng nhất trí tăng cường minh bạch về chuỗi cung ứng cho nguyên vật liệu thô và cân nhắc một cơ chế mới để làm được điều này - theo một tuyên bố của Uỷ ban châu Âu (EC).
Khi ở Bắc Kinh, ông Dombrovskis đã có cuộc gặp với Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào hôm thứ Hai. Trong cuộc gặp, hai bên nhất trí sẽ làm việc cụ thể về thương mại nông sản và đồ uống có cồn, và phía Trung Quốc cam kết xử lý “số đơn xin cấp phép còn tồn đọng về sữa công thức cho trẻ sơ sinh”, EC cho hay.
Sau cuộc gặp trên, ông Hà Lập Phong nói với báo giới rằng Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu thêm hàng hoá từ EU, và Bắc Kinh hy vọng châu Âu sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.
Mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và châu Âu đã xấu đi trong thời gian gần đây, nhất là sau khi EU mở một cuộc điều tra về vấn đề trợ cấp nhà nước của Trung Quốc dành cho các hãng xe điện của nước này. Cuộc điều tra được khởi động trong bối cảnh nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc vào châu Âu tăng chóng mặt, làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của các hãng xe châu Âu. Đầu tháng này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã gọi cuộc điều tra của châu Âu là “chủ nghĩa bảo hộ rõ rành rành”.
Chỉ vài giờ trước cuộc gặp Phó thủ tướng Trung Quốc hôm thứ Hai, ông Dombrovskis nói các hành vi thương mại của Trung Quốc đã buộc EU phải trở nên cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Bắc Kinh. “Chúng ta đang đứng trước bước ngoặt. Chúng ta có thể chọn lối đi hướng tới quan hệ đôi bên cùng có lợi, trên cơ sở thương mại và đầu tư cởi mở và bình đẳng… Hoặc chúng ta có thể chọn lối đi khiến chúng ta ngày càng xa nhau hơn”, ông Dombrovskis phát biểu tại Đại học Thanh Hoa.
Năm ngoái, thâm hụt thương mại của EU với châu Âu là 396 tỷ euro, tương đương 421 tỷ USD. Đại sứ EU tại Trung Quốc Jorge Toledo đã nói rằng đây là con số thâm hụt thương mại”cao nhất trong lịch sử nhân loại”.
Một nửa số thâm hụt này nằm ở hạng mục xe cộ và máy móc, số còn lại nhằm ở các hàng hoá chế tạo khác, hoá chất và năng lượng - theo số liệu thống kê của EU. Ô tô Trung Quốc đã trở thành một vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại song phương, vì sự tràn ngập của ô tô Trung Quốc ở châu Âu, nhất là xe điện, đang khiến các hãng xe châu Âu như “ngồi trên đống lửa”.
Ngoài ra, căng thẳng giữa hai bên cũng đang đè nặng lên chuỗi cung ứng công nghệ. Trung Quốc gần đây dừng xuất khẩu hai đất hiếm quan trọng dùng cho con chip - động thái được xem như một lời cảnh báo đối với châu Âu và Mỹ sau khi Brussels và Washington áp hạn chế khiến Trung Quốc giảm khả năng tiếp cận với thiết bị sản xuất chip tiên tiến.
Trong khi đó, doanh nghiệp châu Âu đã bày tỏ lo ngại về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc, e rằng môi trường kinh doanh ở nước này ngày càng mang màu sắc chính trị và khó lường - ông Dombrovskis phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba.