Nhiệm vụ trên được giao cho ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết, năm 2021, ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã tạo được nhiều kết quả ấn tượng: Được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng đứng đầu cả nước về chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); đạt giải thưởng “Tổ chức nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2021; đạt Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2021 và 3 giải chuyên đề “Thành phố điều hành quản lý thông minh”, “Thành phố y tế thông minh”, “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” năm 2021.
Đà Nẵng cũng được bình chọn là 1 trong 5 thành phố khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trong 30 thành phố thông minh mới nổi độc đáo và sáng tạo do Viện Nghiên cứu chiến lược Eden công bố.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, có được kết quả trên là sự hưởng ứng đồng hành tích cực của doanh nghiệp ngay khi thanh phố thực hiện chương trình chuyển đổi số; những quyết sách đúng đắn của thành phố trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng nền tảng số (hạ tầng mềm) của không gian số, tạo lập, lưu trữ dữ liệu nhằm tăng nhanh số lượng người dùng để giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng lớn.
"Chính nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đã giúp Đà Nẵng thực hiện có hiệu quả việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số", ông Thạch nói và cho hay, đến nay Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hiệu quả, kịp thời hơn 20 giải pháp ứng dụng công nghệ, hỗ trợ tích cực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp phòng chống dịch Covid-19 chủ động, linh hoạt.
Năm 2022, thành phố Đà Nẵng thực hiện chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh, Đà Nẵng đang tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để chuyển đổi số thực sự là động lực cho sự phát triển thành phố. Ngành xác định các nhiệm vụ chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng số, hạ tầng các khu công nghệ thông tin phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi và chú trọng đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ thông tin-truyền thông lớn, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến đầu tư tại Đà Nẵng.
“Thành phố cũng giao nhiệm vụ cho ngành thông tin và truyền thông nhanh chóng xúc tiến đầu tư triển khai một số dự án lớn như: Khu Tổ hợp không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân; Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay, Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel; việc công nhận Khu Công nghệ thông tin tập trung của Công ty FPT miền Trung. Tập trung triển khai hoàn thành đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh, phục vụ chính quyền đô thị (Trung tâm IOC); các cơ quan, địa phương cần coi trọng tạo lập và chia sẻ dữ liệu số”, ông Trần Phước Sơn cho biết thêm.
Đà Nẵng hiện đang tiếp tục rà soát các ứng dụng, cơ sở dữ liệu hiện có và cập nhật dữ liệu mới, với phương châm “các ứng dụng, cơ sở dữ liệu xây dựng mới phải thật sự mới”, việc tạo lập dữ liệu phải đầy đủ, chính xác, các dữ liệu phải được kết nối, chia sẻ về kho dữ liệu dùng chung của thành phố để dùng chung, phân tích dữ liệu thông minh; đồng thời, công khai, mở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp theo quy định.