October 21, 2022 | 16:25 GMT+7

New technology shaping development of local startups

Thủy Diệu -

Technology trends are shaping and leading startup trends around the world and also in Vietnam.

Photo: VnEconomy
Photo: VnEconomy

Đáng chú ý, nhiều công nghệ mới như Blockchain, AI, bảo mật, Metaverse, Việt Nam có lợi thế và đứng cùng điểm xuất phát với các nước trên thế giới. Điều này cũng được nhấn mạnh trong một báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát hành mới đây, trong đó nhận định: kỳ lân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam.

Năm 2021, Việt Nam được ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về thu hút đầu tư khởi nghiệp với hơn 1,3 tỷ USD, con số kỷ lục trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam. Báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam của Ngân hàng ADB phát hành tháng 7/2022 cho biết, trong năm 2021, năm lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính (Fintech) chiếm tới 26,6%; thương mại điện tử chiếm 20,3%; công nghệ giáo dục (Edtech) chiếm 17,2%; công nghệ y tế (Healthtech) chiếm 7,8%; và phần mềm dịch vụ chiếm 6,3%. Trong đó công nghệ y tế và công nghệ nông nghiệp (Agritech) là hai lĩnh vực có tác động xã hội cao và có tiềm năng đóng góp cho phát triển bền vững và đồng đều hơn.

XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ MỚI VÀ NHỮNG KHOẢN ĐẦU TƯ TRĂM TRIỆU ĐÔ

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết Việt Nam hiện đã có khoảng 3.800 startups, và 11 startups được định giá trên 100 triệu USD. Hiện có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo… Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia). Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có 4 kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD) gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis.

Trong số các xu hướng công nghệ mới như kể trên, Việt Nam có lợi thế và đứng cùng điểm xuất phát với các nước trên thế giới ở nhiều công nghệ mới như Blockchain, AI, Metaverse, Healthtech, Fintech, hay Edtech… Điều này thể hiện ở con số nguồn vốn và số thương vụ đầu tư vào startup Việt khi số vốn rót startup Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, tăng so với mức 8% của năm 2020, đứng thứ 3 về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào startup trong khu vực, sau Indonesia và Singapore (theo báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures vừa công bố tháng 4/2022).

Công nghệ mới định hình xu hướng phát triển startup Việt - Ảnh 1

Trong đó, thanh toán và thương mại điện tử vẫn là hai ngành đứng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư, điển hình là việc nền tảng thương mại điện tử Việt Nam Tiki (sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng Robot tự động vào quy trình kho vận, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa) đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng gọi vốn do AIA dẫn đầu (cuối năm 2021).

Ngành trò chơi trực tuyến (gaming) đã vươn lên vị trí thứ ba trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất nhờ vào sự thành công trên toàn cầu của Sky Mavis cùng sản phẩm Axie Infinity (khi trong năm 2021 công ty này đã gọi vốn hàng trăm triệu USD và trở thành kỳ lân trong lĩnh vực công nghệ Blockchain của Việt Nam).

Báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, cũng cho biết đại dịch Covid-19 tạo nên sự bùng nổ về lượng giao dịch ở một số ngành mới, từ đó dẫn đến mức tăng trưởng vượt bậc về số tiền đầu tư trong những lĩnh vực này. Ba ngành nổi bật nhất bao gồm y tế, giáo dục, và chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 1.016%, 526%, và 205%.

Tổng số giao dịch của các thương vụ trên 10 triệu USD vượt mức 1 tỷ USD, tăng 255% so với năm trước. Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng seed tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ, thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A đã trở về mức trước Covid-19. Năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và gaming.

CƠ HỘI CHO STARTUP VIỆT 

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn khi hiện có hàng chục công ty với định giá vài trăm triệu USD đang phát triển mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành những kỳ lân mới trong những năm tiếp theo.

Trong một báo cáo danh sách các doanh nghiệp startup sáng tạo, tăng trưởng nhanh và có tham vọng thành kỳ lân cách đây chưa lâu, Ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng.

Ông Tình Nguyễn, đồng sáng lập LadiPage, cho rằng Việt Nam hiện có hơn 300 công ty khởi nghiệp sáng tạo, điều này đang giúp Việt Nam thuộc top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp năng động sáng tạo nhất khu vực châu Á. Ngoài ra Việt Nam cũng đang tập trung vào 3 nhóm ngành khởi nghiệp có mức tăng trưởng cao: chăm sóc sức khỏe; công nghệ tài chính; công nghệ bán lẻ; 4 trụ cột khởi nghiệp: kinh doanh; con người; xã hội; công nghệ khác.

 
Công nghệ mới định hình xu hướng phát triển startup Việt - Ảnh 2

Theo đánh giá từ các chuyên gia, công nghệ sáng tạo sẽ tạo ra tăng trưởng phi thường cho các mô hình kinh doanh, tăng trưởng kinh tế nếu bám đúng trọng tâm 3 xu hướng: chuyển đổi số (với công nghệ điện toán đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G, Internet vạn vật (IoT)…); công nghệ hóa tự động trong sản xuất, công nghệ bồi đắp vật liệu (in 3D), dữ liệu lớn (Big Data)…); khoa học trong sức khỏe và cuộc sống (ngành công nghệ sinh học (Biotechnology), dịch vụ y tế (Healthcare); chế phẩm (vaccine)…

Cụ thể, các công nghệ kết nối kỹ thuật số, được hỗ trợ bởi 5G và Internet vạn vật (IoT), có tiềm năng thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Công ty tư vấn McKinsey nhận định việc triển khai các kết nối nhanh hơn trên nền tảng di động, trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, sản xuất hay bán lẻ có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm từ 1.200 tỷ USD đến 2.000 tỷ USD. Và khả năng kết nối và truyền tải tốt hơn sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn trong lĩnh vực từ kinh doanh đến sản xuất (thông qua điều khiển không dây các công cụ điện tử, máy móc và robot).

Cũng theo McKinsey, khoảng một nửa tổng số công việc hiện có có thể được tự động hóa trong vài thập niên tới, khi quá trình tự động hóa cấp độ cao, kết hợp công nghệ thực tế ảo, trở nên phổ biến hơn. Đến năm 2025, hơn 50 tỷ thiết bị sẽ được kết nối với Internet vạn vật công nghiệp (IoT). Robot, các thiết bị tự động hóa, in 3D… sẽ tạo ra khoảng 79,4 zettabyte (79,4 tỷ terabyte) dữ liệu mỗi năm.

Trong một thế giới 4.0, toàn cầu hóa chuyển đổi số và tất cả mọi thứ đề được dữ liệu hóa, cho đến những công nghệ hoàn toàn mới như Blockchain, Metaverse, Web 3.0… thì cơ hội không dành riêng cho một quốc gia nào. Theo các chuyên gia, những công nghệ rất mới sẽ là lợi thế của người trẻ năng động và yêu thích công nghệ như Việt Nam. Ngoài tính “thời thượng” của công nghệ người trẻ Việt dễ bắt nhịp mà bản thân những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng sẽ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước như: hỗ trợ 100% về giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Với những lợi thế và tiềm năng trên, doanh nghiệp khởi nghiệp, người trẻ khởi nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội để có thể hiện thực hóa khát vọng “biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng”, như đánh giá của các tổ chức trong nước và nước ngoài.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate