“Phần Lan gia nhập NATO là một thay đổi cốt lõi trong chính sách đối ngoại của nước này”, Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố ngày 12/5. “Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để ngăn chặn những nguy cơ an ninh quốc gia”.
Tuyên bố trên được Moscow đưa ra ngay sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng nước này Sanna Marin nói Phần Lan cần xin gia nhập NATO “không trì hoãn”.
Đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay cho thấy Phần Lan sẽ chính thức xin gia nhập NATO. Việc trở thành một thành viên của khối này sẽ mang ý nghĩa lịch sử đối với quốc gia vùng Bắc Âu đã nhiều thập kỷ qua giữ lập trường trung lập về quân sự.
Theo hãng tin CNBC, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào hôm 24/2 đã làm thay đổi toan tính của những quốc gia như Phần Lan và Thuỵ Điển về địa vị thành viên NATO. Thuỵ Điển cũng đang cân nhắc nghiêm túc về việc nộp đơn xin gia nhập liên minh này.
Tổng thống Niinisto nói việc Nga tấn công Ukraine đã làm thay đổi tình hình an ninh của Phần Lan cho dù chưa có mối đe doạ trực tiếp nào đối với Phần Lan.
“Việc trở thành một thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan”, hai nhà lãnh đạo Phần Lan nói trong tuyên bố, và nói thêm rằng địa vị thành viên của Phần Lan trong NATO cũng sẽ “gia tăng sức mạnh cho toàn bộ liên minh phòng thủ”.
Đã có những mối lo rằng sự mở rộng của NATO có thể dẫn tới sự đáp trả của Nga, quốc gia với đường biên giới dài 830 dặm với Phần Lan. Nếu Phần Lan gia nhập khối, tổng chiều dài biên giới trên bộ giữa Nga với lãnh thổ NATO sẽ tăng gần gấp đôi. Nga có biên giới trên bộ với 14 nước và 5 trong số đó là thành viên NATO, gồm Latvia, Estonia, Lithuania, Ba Lan và Na Uy.
Trong tuyên bố ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng “mục tiêu của NATO - tổ chức mà các quốc gia thành viên đã ra sức thuyết phục phía Phần Lan rằng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc gia nhập liên minh - là rõ ràng. Đó là tiếp tục mở rộng về phía biên giới Nga, để tạo thêm vùng sườn cho một mối đe doạ quân sự đối với Nga”.
Nga khẳng định rằng chính sách không liên minh quân sự của Phần Lan “giữ vai trò cơ sở cho sự ổn định” ở khu vực Bắc Âu, nhưng giờ đây “Helsinki phải nhận thức được trách nhiệm và hậu quả của một động thái như vậy”.
NATO được thành lập vào năm 1949 bởi Mỹ, Canada và một số nước Tây Âu nhằm tạo ra một sự phòng thủ tập thể trước Liên Xô. Kể từ khi thành lập, liên minh này đã có một mối quan hệ gai góc với Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, và tiếp đó là với Liên bang Nga.
Phần Lan đã không gia nhập NATO khi khối này mới thành lập và công chúng Phần Lan, cho tới nay, vẫn nghiêng về ủng hộ lập trường trung lập nhằm duy trì mối quan hệ êm ả với Nga. Trên thực tế, Phần Lan đã ký với Liên Xô một hiệp ước hoà bình vào năm 1947 và một hiệp ước hữu nghị vào năm 1992.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Phần Lan và Thuỵ Điển ngày càng xích lại gần hơn với NATO, tham gia vào một số hoạt động quân sự do khối này tổ chức.
Nga nói rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ vi phạm một thoả thuận trước đây giữa hai nước. Theo Nga, thoả thuận này “quy định nghĩa vụ của các bên không được gia nhập các liên minh hay tham gia vào liên hiệp trực tiếp chống lại bên kia”. Nga cũng nói hiệp ước hữu nghị 1992 cũng sẽ bị vi phạm nếu Phần Lan vào NATO.
“Chúng tôi sẽ phản ứng tuỳ vào tình hình”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong tuyên bố.