Chuyển đổi số trong thời gian gần đây được các ngân hàng đặc biệt chú trọng bởi đây là trọng tâm phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Chính vì thế, cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng đã và đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh kinh tế số phát triển, lĩnh vực ngân hàng số trở thành định hướng tập trung nhằm tạo ra các dịch vụ mới và xây dựng nên lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Xu hướng này càng được củng cố hơn khi thanh toán điện tử được đẩy mạnh trong những năm gần đây, tạo nên làn sóng thúc đẩy phát triển mảng ngân hàng số tại Việt Nam.
CHUYỂN ĐỔI SỐ: XU HƯỚNG TẤT YẾU
Ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), cho biết: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng. Bối cảnh xã hội cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã làm dịch chuyển thói quen người tiêu dùng, Viet Capital Bank cũng không nằm ngoài xu thế này. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, ngân hàng định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech)".
Xác định việc chuyển đổi số là việc bắt buộc, nhiều năm nay LienVietPostBank đã tập trung đầu tư về vật lực cũng như nhân lực để thực hiện điều này. Ngân hàng này đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong 10 năm 2018 - 2028 và hiện LienVietPostBank đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số.
Sau 3 năm triển khai thành công Ví Việt, LienVietPostBank vừa cho ra mắt ngân hàng số LienViet24h. "Trong 3 - 5 năm tới, LienVietPostBank sẽ tiếp tục từng bước số hóa các hoạt động nghiệp vụ, bao gồm cả việc số hóa các quy trình thực hiện, cùng với việc đào tạo nâng cao năng lực cho nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số", Chủ tịch LienVietPostBank, ông Huỳnh Ngọc Huy, cho biết.
MỌI NGÂN HÀNG LỚN NHỎ ĐỀU VÀO CUỘC
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Thống kê cho thấy, hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.
Nhằm bắt kịp với xu hướng giao dịch điện tử tăng mạnh hiện nay và nâng cao trải nghiệm của người dùng, các ngân hàng đã và đang tăng tốc vào cuộc đua ngân hàng số. Cuộc đua này trở nên sôi động hơn trong năm 2020, khi mà hàng loạt ngân hàng quy mô từ lớn đến nhỏ đều tăng đầu tư về công nghệ để chuyển đổi số.
Mới đây, Vietcombank cũng ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, còn BIDV thì phát động Chiến dịch chuyển đổi số. Trước đó, VietinBank triển khai ứng dụng VietinBank iPay Mobile 5.1, VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo, Techcombank tiên phong ra mắt "Zero fee" trên F@st Ebank, TPBank ra mắt ứng dụng LiveBank, HDBank có dịch vụ HDBank mBanking, tương tự ACB có dịch vụ ACB mBanking...
Một số ngân hàng nhỏ cũng góp mặt vào cuộc đua số hóa. Cụ thể, Nam A Bank đã trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch (Robot OPBA) nhằm tăng trải nghiệm của người dùng và gần nhất là áp dụng phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC); OCB cũng đã số hóa dịch vụ mở tài khoản, chỉ với 3 - 5 phút, khách hàng có thể mở tài khoản online với ngân hàng số OCB Omni và ngân hàng này vừa ra mắt phiên bản OCB Omni 2.0 chú trọng tính cá nhân hóa trải nghiệm người dùng...
TĂNG MẠNH LƯỢNG KHÁCH HÀNG NHỜ EKYC
Bên cạnh việc ra mắt dịch vụ ngân hàng số, nhiều ngân hàng cũng lần lượt triển khai ứng dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC). Đây là xu hướng bắt buộc với ngành ngân hàng cũng như các ngành kinh doanh dịch vụ khác và ứng dụng này được đẩy nhanh nhờ đại dịch Covid-19.
Theo các ngân hàng, áp dụng eKYC đem lại hàng loạt lợi ích cho khách hàng và ngân hàng khi vẫn tăng được số lượng khách nhưng không cần phải đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh, phía khách hàng sẽ không cần phải đến ngân hàng nhưng vẫn có thể mở được tài khoản. Dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng việc triển khai eKYC đã khiến số lượng mở mới tài khoản cá nhân của các ngân hàng tăng mạnh.
Báo cáo 9 tháng của VPBank cho biết, tính đến cuối quý 3/2020, số lượng khách hàng số tại ngân hàng mẹ đã đạt gần 1,7 triệu, tương đương tăng 33% so với cuối 2019. Sự tăng trưởng mạnh mẽ số lượng khách hàng này nhờ vào việc ứng dụng eKYC mà ngân hàng này đã triển khai từ hồi tháng 7.
Trước đó, các ngân hàng tham gia thí điểm eKYC cũng cho biết kết quả khả quan trong tháng đầu triển khai. Cụ thể, sau một tháng triển khai, đến tháng 9, HDBank có 35.000 khách hàng mới đăng ký trên ứng dụng và 15.000 tài khoản đã xác thực thông tin trực tuyến.
Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết từ khi triển khai phương thức eKYC trên app HDBank, lượng khách hàng đăng ký mới tăng 30% mỗi tháng. HDBank triển khai eKYC từ đầu tháng 8/2020, kịp thời hỗ trợ khách hàng giao dịch online khi dịch Covid-19 tái bùng phát.
"Thống kê cho thấy 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC. Điều này cho thấy eKYC đã góp phần dẫn dắt người dùng chuyển đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sang giao dịch trực tuyến nhằm hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp", ông Trần Quốc Anh cho biết thêm.
Không chỉ HDBank mà ngay những ngân hàng trong nhóm đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm áp dụng eKYC như VPBank, Viet Capital Bank, TPBank đều cho biết có những chuyển biến tích cực. Việc ứng dụng eKYC đã đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết về sự tiện lợi, nhanh chóng của khách hàng, đây cũng là phương thức dễ tiếp cận cho cả phía ngân hàng lẫn khách hàng.
Quyết định chuyển hướng chiến lược tập trung vào số hóa các dịch vụ ngân hàng, điển hình là ra mắt dịch vụ LiveBank từ hơn 3 năm trước, đã mang lại cho TPBank một lợi thế lớn đưa eKYC tới khách hàng nhanh hơn. Và thống kê mới nhất tại TPBank cho thấy ngân hàng này đã xử lý thành công cho gần 30.000 lượt khách hàng đăng ký mới thông qua phương thức eKYC.
Tại Viet Capital Bank, ngân hàng này đã linh hoạt trong việc đẩy nhanh và mạnh tốc độ số hóa trong hoạt động của mình để thích ứng kịp thời những thay đổi của thị trường và hành vi khách hàng, dựa trên nền tảng công nghệ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc trở thành đối tác chiến lược cung cấp nền tảng cho Timo Plus, tiên phong trong việc đưa tiện ích mở tài khoản từ thiết bị di động đã đưa tỷ lệ khách hàng mở mới tại ngân hàng này tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Ngoài ra, Viet Capital Bank còn là ngân hàng chiếm thị phần lớn trong việc cung cấp nền tảng cho các đối tác Fintech, và là một trong các ngân hàng đầu tiên áp dụng eKYC đồng bộ, không chỉ trên thiết bị di động mà tại quầy giao dịch.
Với LienVietPostBank, ngân hàng này đã triển khai hình thức định danh điện tử eKYC từ đầu tháng 9/2020 trên cả ứng dụng Ví Việt và LienViet24h. Việc dễ dàng đăng ký và định danh online chỉ sau một vài phút thao tác trên thiết bị di động có kết nối Internet đã giúp lượng khách hàng mở tài khoản tại LienVietPostBank tăng lên rõ rệt. Tính đến tháng 9/2020, Ví Việt - nền tảng ngân hàng số của LienVietPostBank - có 3 triệu người dùng và 50.000 đại lý.
Không chỉ có các ngân hàng, các ví điện tử cũng nhộn nhịp đón thêm người dùng mới. Tháng trước, MoMo cán mốc 20 triệu người dùng, gấp đôi con số 10 triệu của năm 2019. Đại dịch Covid-19 giúp MoMo có thêm 10 triệu khách hàng trong thời gian ngắn, lượng người dùng mà trước đó mất 9 năm để có được.
Còn theo số liệu công bố vào tháng 9/2020, SmartPay - ví điện tử mới ra mắt tháng 5/2019 cũng đã sở hữu được 1,5 triệu người dùng cá nhân và 300.000 tiểu thương.
Nhìn chung, chưa bao giờ thấy cuộc cạnh tranh số hóa giữa các ngân hàng mạnh mẽ như hiện nay, sẽ còn tiếp diễn những năm tới. Việc triển khai ngân hàng số của Việt Nam đang đi đúng với xu hướng của thế giới cũng như chủ trương tiêu dùng không tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước. Điều này không chỉ giúp ngành ngân hàng phát triển và cả khách hàng cũng được hưởng lợi từ những tiện ích mà ngân hàng số mang lại.