Trong đó, có 1,394 triệu người cao tuổi, 1,667 triệu người khuyết tật, 16.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 150.000 trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi, 80.000 người đang hưởng chế độ đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi và 80.000 đối tượng khác.
Cùng với đó, các địa phương hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng cho 389.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoảng 2.250 tỷ đồng/tháng.
Tính đến nay, có 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả qua tổ chức dịch vụ chi trả; 63/63 tỉnh, thành phố phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội.
Hiện có hơn 2 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt, số đối tượng bảo trợ xã hội đã được chi trả qua tài khoản là trên 1,9 triệu người.
Tổng kinh phí đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến đối tượng bảo trợ xã hội từ tháng 1/2023 đến tháng 10/2024 là trên 9.300 tỷ đồng. “Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá.
Về giải pháp hỗ trợ những địa phương, nhất là các nơi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao thực hiện 2 nhiệm vụ.
Đó là nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng cần phải sửa chữa và di dời chỗ ở từ nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ Vì người nghèo, các nguồn hỗ trợ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguồn xã hội hóa.
Đồng thời, thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng, di dời nhà ở... theo phương châm “xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó”.
Cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, công tác chăm lo cho người có công với cách mạng cũng được chú trọng.
Trong 10 tháng năm 2024, các địa phương đã thực hiện chi trả trợ cấp cho hơn 1,06 triệu người có công với cách mạng, với kinh phí khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.
Trong đó, hơn 566.000 đối tượng người có công với cách mạng đã được nhận trợ cấp qua tài khoản; chiếm 88,4% tổng số đối tượng người có công với cách mạng có tài khoản, và bằng 53,14% tổng số đối tượng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Riêng trong tháng 10/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp trích lục 48 hồ sơ liệt sĩ, tra cứu gần 2.500 bộ hồ sơ. Tính đến tháng 10/2024, đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 284 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 9.430 bằng Tổ quốc ghi công.
Cùng với đó, chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.
Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách, chế độ ưu đãi người có công.