Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã sửa đổi các quy định về chế độ hưu trí và tử tuất, ốm đau, thai sản chưa phù hợp, nhằm bảo đảm tính khả thi, dài hạn, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với chế độ hưu trí, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Đồng thời, gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia: Quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu (Điều 68).
Theo quy định hiện hành (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014), chỉ có một mức tính hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, đối với lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn mức tối đa 75% (lao động nam có thời gian đóng cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng cao hơn 30 năm), thì tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định 2 mức như sau:
Bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho mỗi năm đóng cao hơn số năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
Về chế độ tử tuất, Luật mới đã sửa đổi quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thống nhất, phù hợp với tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019.
Sửa đổi quy định về quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc một lần, theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn của thân nhân của người lao động. Khi các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, thì có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, hoặc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng có lợi hơn.
Về chế độ ốm đau, thứ nhất, bổ sung quy định chế độ ốm đau không trọn ngày để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động (Khoản 5 Điều 45).
Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày. Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày, thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày.
Thứ hai, luật hóa bổ sung quy định các trường hợp người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau, bao gồm: (i) Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp; (ii) Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường, và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
(iii) Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật; (iv) Trường hợp sử dụng thuốc tiền chất, hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ ba, sửa đổi quy định về chế độ ốm đau dài ngày. Theo đó, người lao động có thể hưởng chế độ ốm đau trong một năm tối đa từ 30 đến 70 ngày tùy theo điều kiện làm việc, với mức hưởng bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Sau đó, khi hưởng hết thời hạn hưởng mà vẫn tiếp tục điều trị, thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn.
Về chế độ thai sản, bổ sung quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con, mà trước khi sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh. Theo đó, lao động nữ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.
Cùng với đó, Luật mới quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.
Luật cũng sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết. Người lao động cũng được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con, nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con), thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra, và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Đồng thời, bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thay vì chỉ hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những sửa đổi, bổ sung này của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thể hiện sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.