Đó là nhận định của ông Park Bong Kyu, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh chuỗi khối Marvel tại Hội thảo Blockchain Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Việt Hàn (VIKO30)
TÁCH BẠCH HUY ĐỘNG VỐN VỚI LÀM SẢN PHẨM
Nhiều chuyên gia phân tích những chính sách pháp lý cho start-up Blockchain ở Việt Nam, phổ biến kiến thức và đào tạo nhân sự cho ngành blockchain và Triển lãm công nghệ blockchain, Metaverse, Gamefi, NFT,...
Đồng thời đánh giá các chính sách cởi mở về công nghệ, sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ngành và thu hút giới trẻ, cộng đồng khởi nghiệp và sự xuất hiện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam… là những yếu tố lạc quan về thị trường blockchain Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.
"Thị trường quốc tế dễ chấp nhận rủi ro đối với các startup hơn thị trường nội địa. Nên chăng, Bộ Tư pháp tách bạch quá trình huy động vốn và quá trình làm sản phẩm."
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Theo luật sư Phong Đào, Việt Nam hiện chưa có văn bản cụ thể cho Blockchain nhưng thái độ của Chính phủ dành cho công nghệ này khá tích cực. Những chủ trương, chính sách đã tạo nhiều cơ hội cho Blockchain phát triển.
Cụ thể từ năm 2020, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Năm 2021, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ ban ngành tiến hành nghiên cứu blockchain tại Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế vững mạnh thông qua công nghệ. Chính nhờ những chính sách cởi mở này, Việt Nam đã có nhiều thành quả đầu tiên trong lĩnh vực blockchain, điển hình là sự thành công của các kỳ lân Việt Nam nổi tiếng thế giới.
Dù đã có những chính sách thuận lợi nhưng ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng vẫn rất cần những chính sách pháp lý để giúp start-up nước nhà phát triển hơn nữa. Chẳng hạn, start-up Việt Nam hiện còn gặp nhiều thách thức từ quá trình huy động vốn và tạo ra sản phẩm và dễ vấp phải sự nghi ngờ từ quê hương. Trong khi đó, thị trường quốc tế dễ chấp nhận rủi ro đối với các startup hơn thị trường nội địa. Nên chăng, Bộ Tư pháp tách bạch quá trình huy động vốn và quá trình làm sản phẩm.
Ông Choi Soo Hyuk, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Blockchain Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc có khoảng 7-8 Hiệp hội Blockchain, mỗi năm các Hiệp hội ngồi lại cùng Ủy viên Quốc hội và các ban ngành liên quan để thảo luận về phương hướng phát triển ngành công nghiệp này.
Ông Park Bong Kyu, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh chuỗi khối Marvel tại Hàn Quốc cho rằng, dịch bệnh Covid-19 và sự cố LUNA đã khiến ngành công nghiệp này của Hàn Quốc bị thu hẹp, tạo ấn tượng xấu trên thị trường quốc tế.
"Việt Nam lại có lợi thế là các doanh nghiệp trẻ, cởi mở, nhiều người trẻ tham gia vào lĩnh vực này, nên ngành Blockchain Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và năng động hơn cả thị trường Hàn Quốc", ông Park Bong Kyu cho biết thêm.
CẦN 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT HIỂU BLOCKCHAIN
Nói về ứng dụng thực tiễn của blockchain, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam (VinaFintech) kiêm Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số (VDCA) cho biết, Blockchain có đặc tính minh bạch, không thể sửa đổi, phù hợp với các lĩnh vực cần sự minh bạch. Rất nhiều ứng dụng về Blockchain trong ngành tài chính, truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy hải sản, trong y tế lưu trữ hồ sơ bệnh án,…
"Việc thiếu nhân lực blockchain ở Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng bởi vì điều đó cho thấy Việt Nam đang bắt kịp với nước ngoài, dù trước đây Việt Nam thường tiếp nhận công nghệ mới chậm hơn so với thế giới”.
Ông Huy Nguyễn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Theo ông Thắng, trong tương lai, Blockchain có thể được ứng dụng để nâng cấp hệ thống giao dịch P2P, phát triển Fintech; từ đó, chuyển đổi nền kinh tế số, và đặc biệt là phát hành tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương CBDC (Central Bank Digital Currency) để hòa nhập với nền kinh tế số trên thế giới.
Ngoài ra, nhiều ý kiến từ các chuyên gia rằng cần phải đẩy mạnh việc phổ cập kiến thức về Blockchain ở Việt Nam. Muốn ứng dụng Blockchain sâu rộng trong thực tiễn, việc đào tạo một nguồn nhân lực hùng hậu là hết sức cần thiết nhưng Việt Nam hiện tại không có nhiều đơn vị đào tạo về blockchain.
Theo ông Huy Nguyễn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, không phải chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đều có nhu cầu rất lớn cho ngành Blockchain. Nhu cầu cho lĩnh vực blockchain đã tăng lên 400% trong năm qua nhưng nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng 20-30% do ngành Blockchain vẫn còn quá mới.
Mặt khác, sản phẩm chủ đạo của Blockchain là Bitcoin cũng chỉ vừa ra đời từ mười mấy năm trước nên nhân sự sẽ còn thiếu hụt trong thời gian tới. Các trường Đại học ở Việt Nam lẫn trên thế giới đã chú trọng đến việc đào tạo nhân sự Blockchain. Hiện nay, hơn 50% các trường ở phương Tây đã đưa blockchain vào khóa học của các ngành kinh tế, luật, marketing…
Ông Huy nhấn mạnh: “Để một ngành công nghiệp phát triển được, ta cần 1% dân số hiểu về công nghiệp đó. Ở Việt Nam có 100 triệu dân số, ta cần 1 triệu người Việt Nam hiểu về công nghệ Blockchain. Hiện tại Việt Nam chỉ đáp ứng dưới 10%. Và việc thiếu nhân lực Blockchain ở Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng bởi vì điều đó cho thấy Việt Nam đang bắt kịp với nước ngoài, dù trước đây Việt Nam thường tiếp nhận công nghệ mới chậm hơn so với thế giới".
Dịp này, Hiệp hội Khởi nghiệp Blockchain Hàn Quốc, Hội nghị thượng đỉnh chuỗi khối Marvel và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cùng ký kết hợp tác phát triển công nghệ blockchain giữa Việt Nam và Hàn Quốc.