Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến thời điểm cuối tháng 12/2024, đàn lợn đạt 26,59 triệu con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023; đàn gia cầm khoảng 575,1 triệu con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm, trong đó tổng đàn trâu khoảng 2,07 triệu con, giảm khoảng 3,0%; đàn bò khoảng 6,29 triệu con, giảm 0,6%.
TỔNG SẢN LƯỢNG THỊT HƠI ĐẠT 8,26 TRIỆU TẤN
Thông tin về tình hình sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2024, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2023. Trong đó: thịt lợn hơi 5,16 triệu tấn, tăng 6,6%; thịt gia cầm hơi 2,43 triệu tấn, tăng 5,4%. Sản lượng sữa tươi đạt 1,23 triệu tấn, tăng 6,0%; trứng đạt 20,2 tỷ quả, tăng 5,0%. Bên cạnh đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt hơn 21 triệu tấn, tăng 3,4% so với năm 2023.
"Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023. Trong đó, có 122,9 triệu USD là sữa và sản phẩm từ sữa; 172,1 triệu USD thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật".
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1.700 con lợn sống (tương đương 662 nghìn USD) và 1.200 con bò sống. Ngoài ra, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,05 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất chăn nuôi.
Đáng chú ý, sau thời gian dài mở cửa thị trường, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy sữa của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng. Đồng thời, sau khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu tổ yến và sản phẩm tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Thịt gà chế biến cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu và Mông Cổ.
Ngoài những mặt hàng đã và đang xuất khẩu, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của một số quốc gia để thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như: Đàm phán với Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm; đàm phán với Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này; tiếp tục đàm phán tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa…
"Năm 2024 đánh dấu những nỗ lực và cố gắng của ngành chăn nuôi trong cuộc chiến chống lại vấn nạn nhập lậu sản phẩm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và đảm bảo an toàn sinh học", ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định; đồng thời cho biết ngành chăn nuôi không chỉ chuyển đổi về phương thức, quy mô mà còn chuyển đổi cả về địa lý, khi ngày càng nhiều tỉnh có tiềm năng lợi thế về vị trí, đất đai, không gian phát triển chăn nuôi.
Cụ thể, các doanh nghiệp tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (như Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh…). Hiện nay, các tỉnh này có tốc độ tăng trưởng chăn nuôi cao khi các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng được hình thành: Doanh nghiệp – trại chăn nuôi, doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ chăn nuôi… nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh.
ĐẦU RA ĐANG ĐƯỢC GIÁ
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng năm 2024 vừa qua, ngành chăn nuôi vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, bão Yagi gây thiệt hại lớn, dịch bệnh vẫn xuất hiện gây tổn thất cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng có những thuận lợi như giá thức ăn chăn nuôi giảm, trong khi giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ nên đã tạo động lực cho người nuôi lợn, nhất là doanh nghiệp duy trì và tiếp tục mở rộng sản xuất.
Phân tích rõ hơn, ông Dương cho biết trong năm 2024, giá ngô giảm nhiều nhất (giảm 15,7% so với năm 2023), kế đến giá khô dầu đậu tương giảm 10,6%, cám gạo chiết ly giảm 7,9%... so với năm 2023. Nhờ vậy, giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm cho lợn thịt (vỗ béo từ 60 kg trở lên) giảm 6,9%, giá thức ăn cho gà thịt lông màu giảm 5,0%, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng giảm 5,3%.
Về thị trường đầu ra, giá lợn thịt hơi xuất chuồng thời điểm đầu năm ổn định xung quanh mức 52-60 nghìn đồng/kg, thời điểm giữa năm giá lợn thịt hơi có xu hướng tăng và bắt đầu tăng mạnh vào tháng 6/2024, có thời điểm giá lợn hơi lên đến hơn 70 nghìn đồng/kg, sau đó giảm xuống mức 64-66 nghìn đồng/kg. Theo xu hướng tăng khi đến gần thời điểm Tết dương lịch 2025, hiện nay, giá bán lợn tại trại khu vực tư nhân trên cả nước bình quân dao động từ 65-67 nghìn đồng/kg và giá tại trại của các công ty lớn cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg.
Cùng với việc giá nguyên liệu thức ăn và thức ăn thành phẩm giảm thì người chăn nuôi đang có lãi, tạo động lực cho người nuôi tái đàn, đây là những yếu tố đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng đàn lợn. Dự báo trước và sau Tết Nguyên đán 2025, giá lợn hơi trên các vùng miền sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng khoảng 3-5% so với mức giá hiện tại.
Đối với gà lông màu nuôi công nghiệp, giá đạt cao nhất tại tháng 2/2024 (50 nghìn đồng/kg), sau đó giảm nhẹ vào tháng 3,4,5 và giảm mạnh vào tháng 6. Đến cuối tháng 6 giá gà công nghiệp lông màu chỉ còn 43 nghìn đồng/kg. Trong các tháng quý 3, giá dao động từ 38-48,8 nghìn đồng/kg, trong quý 4 giá theo xu hướng tăng cho đến cuối năm 2024. Thời điểm hiện tại, giá bình quân trên 50 nghìn đồng/kg.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao mục tiêu cho ngành chăn nuôi năm 2025 có tốc độc gia tăng giá trị đạt 4,0 – 5,0%; sản lượng thịt hơi khoảng 8,4 triệu tấn; sản lượng trứng 20,2 tỷ quả; sản lượng sữa 1,25 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,05 triệu tấn".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Về nhiệm vụ năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi cần tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và an toàn sinh học.
Thứ trưởng cũng đề cập đến sự cần thiết của việc rà soát lại các văn bản pháp luật chưa phù hợp; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt và chăn nuôi, đẩy mạnh tiêm vaccine để xây dựng vùng an toàn sinh học. “Việc đầu tư theo chuỗi, phát triển kinh tế tuần hoàn và đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế phải được coi là trọng tâm, với mục tiêu thu hút thêm đối tác nước ngoài, cải thiện thương hiệu và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.