September 20, 2022 | 14:38 GMT+7

Ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao

Nhật Dương -

Ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, nhiều lao động đã rời bỏ khỏi ngành Du lịch gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có chuyên môn cao.

HÀNG TRIỆU LAO ĐỘNG NGÀNH DU LỊCH PHẢI NGHỈ VIỆC, CHUYỂN NGHỀ

Thông tin về tình hình chuyển dịch lao động trong ngành du lịch, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, do đại dịch Covid-19, lượng khách quốc tế và nội địa đã suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, đối với người lao động trong ngành Du lịch, hàng triệu người đã phải nghỉ việc.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.

“Thực tế này khiến nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong du lịch”, bà Cao Thị Ngọc Lan nhận định.

Theo bà Lan, chịu tác động nặng nhất thuộc về lực lượng lao động đang tham gia dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, lữ hành quốc tế và bán hàng lưu niệm. Người lao động phải chịu các biện pháp mạnh mẽ của doanh nghiệp như cắt giảm lương (chủ yếu là lưu trú và ăn uống), nghỉ việc tạm thời (lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và vận chuyển).

Trong khi đó, lao động còn ở lại làm việc tại các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ phải thích ứng với thay đổi thị trường khách hàng. Trong đó, lao động phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất thuộc về các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, lữ hành và vận chuyển.

Một khảo sát tại TP. HCM vào cuối năm 2021 cho thấy, số lao động ngành Du lịch chuyển sang nghề khác chiếm 26%; số lao động có ý định chuyển nghề sau dịch 33% (trong đó nữ 71,73%, nam 28,27%).

Lao động du lịch mất việc, chuyển nghề có thâm niên nghề 5-10 năm chiếm 43,66%; số lao động có thâm niên nghề trên 10 năm 23,56%; số lao động có trình độ cao đẳng/đại học chiếm 51,31%; lao động có trình độ sau đại học chuyển sang nghề khác chiếm 90%; số lao động là nhân viên văn phòng lữ hành, hướng dẫn viên chuyển nghề 85,1%. Số lao động là hướng dẫn viên chuyển nghề/số hướng dẫn viên chiếm 70,3% ( trong đó nhiều hướng dẫn viên sử dụng được 2-3 ngoại ngữ).

THIẾU HỤT LỚN NHÂN SỰ

Đánh giá về nhu cầu nhân lực sau đại dịch, bà Lan cho biết, hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người.

Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động. 

Ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1
Dự báo nhu cầu lực lao động trong lĩnh vực lưu trú đến năm 2030. Nguồn - Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch). 
Dự báo nhu cầu lực lao động trong lĩnh vực lưu trú đến năm 2030. Nguồn - Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch). 

Về nguồn cung, bà Lan đánh giá, nhân lực du lịch hiện tại suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019. Lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 50%, định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng. Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng.

“Đặc biệt thiếu nhân sự vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng/miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định”, bà Lan nhìn nhận.

Một khảo sát của Navigos Search – đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cũng cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn đã quay lại tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao Tổng Giám đốc, Tổng Quản lý, các Trưởng Bộ phận trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng là các ứng viên người nước ngoài. Các dự án khách sạn nghỉ dưỡng hồi phục nên nhu cầu về nhân sự cấp cao ở các mảng xây dựng và vận hành cũng sẽ phát triển mạnh.

Thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch cũng từng được Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nêu ra tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra hồi tháng 8.

Theo ông Trường, hiện nguồn cung lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn.

Từ thực tế trên, ông Trường cho rằng cần có sự hợp tác đa phương về đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các trường cao đẳng, đại học chính quy với các hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi về thuế trong tổng thể chiến lược để có gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, và có cơ chế hỗ trợ ngân sách giải ngân để Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề và tái đào tạo kỹ năng của người lao động.

Để khôi phục nguồn cung lao động trong ngành Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành Du lịch. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ Ngân sách Trung ương hoặc địa phương, thực hiện trong 2 năm 2023 -2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate