July 31, 2024 | 14:43 GMT+7

Ngành đường sắt khẩn trương rà soát danh mục và kinh phí sửa chữa 184 đường ngang

Ánh Tuyết -

Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang khẩn trương rà soát, lập danh mục đường ngang và dự kiến kinh phí thực hiện sửa chữa 184 đường ngang...

Nhiều vụ tai nạn giữa phương tiện đường sắt với ôtô, xe máy tại nút giao đường ngang.
Nhiều vụ tai nạn giữa phương tiện đường sắt với ôtô, xe máy tại nút giao đường ngang.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Văn bản số 8037/BGTVT-KCHT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 350/TB-VPCP ngày 25/7/2024 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi họp về đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt (Quyết định số 994/QĐ-TTg), Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương rà soát, lập danh mục đường ngang và dự kiến kinh phí thực hiện sửa chữa 184/566 đường ngang còn lại.

 

Trên cơ sở đó, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm rà soát, xác định nhu cầu vốn thực hiện trong năm 2024 và năm 2025 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo kết luận số 350/TB-VPCP ngày 25/7/2024.

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính để hoàn thiện báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải, để Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung để hoàn thành 184/566 đường ngang. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý chi phí, đơn giá, định mức.

Tổ chức sửa chữa các đường ngang bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng nguồn vốn được giao, bảo đảm đúng quy định pháp luật, không trùng lặp nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác đã giao của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương báo cáo tổng kết toàn diện kết quả thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014.

Trong đó, nêu rõ tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương; chỉ rõ những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị, thể chế.

Từ đó, đề xuất giải pháp xử lý tổng thể, trong đó, xác định rõ nguồn lực, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo quy định của pháp luật hiện hành, để giải quyết đồng bộ, hiệu quả, khả thi. 

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông nghiên cứu, tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2024. 

Thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giữa phương tiện đường sắt với ôtô, xe máy tại nút giao đường ngang, thường do các phương tiện cố tình vượt đèn báo hiệu, rào chắn. Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 720/1.513 đường ngang và trang bị hệ thống phòng vệ, có người gác, có cảnh báo tự động, có biển báo.

Các đường ngang sau khi được đầu tư đều bảo đảm độ êm thuận, thanh thoát, cảnh báo và cung cấp đầy đủ các tín hiệu, báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông; qua đó, nâng cao an toàn giao thông, an toàn chạy tàu tại các đường ngang

Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2020 đến nay, toàn quốc vẫn còn 566 đường ngang có người gác cần sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu, với nguồn kinh phí dự kiến là 1.047 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu 382 đường ngang.

Như vậy, còn lại 184 đường ngang nằm ở vị trí giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, khu vực có dân cư đông đúc, mật độ phương tiện giao thông lớn cần bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu.

Việc chậm trễ trong sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với các đường ngang có người gác từ năm 2020 đến nay là do chưa bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách để triển khai. Do đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg đến hết năm 2025 để hoàn thành nốt 184 đường ngang còn lại, dự kiến tổng kinh phí khoảng 363 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate