Đó là nhận định của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại hội nghị Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn mới cho game Việt” được tổ chức ở Đại học Tôn Đức Thắng ngày 18/3. Đây là một trong những hoạt động với mục tiêu củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các studio game trong ngành, tạo điều kiện để các dự án game trong nước tận dụng tốt tất cả các nguồn lực cũng như khai thác các tiềm năng còn bỏ ngỏ của ngành game do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khởi xướng.
Theo ông Lê Quang Tự Do, ngành game Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong thị trường trong nước cũng như quốc tế và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nước nhà. Hoạt động lần này là bước tiến chiến lược, giúp ngành game thoát khỏi những định kiến xưa cũ và là điểm chạm giúp các doanh nghiệp game, studio game, các tổ chức liên quan cùng các quỹ đầu tư kết nối với nhau chặt chẽ hơn, hướng tới mục tiêu chung là phát triển toàn diện.
Hội nghị Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam lần này chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ cần thiết nhất là tháo gỡ những vấn đề cản trở sự phát triển của ngành, từ nhận thức cộng đồng, nhân lực chuyên môn đến nguồn vốn và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
Đồng thời, qua đó cũng giúp các doanh nghiệp ngành game trong nước xây dựng những đội ngũ, studio game chất lượng và uy tín nhằm xuất khẩu game Việt ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, hội nghị cũng đặt ra mục tiêu kết nối và thu hút các nhà đầu tư quốc tế, các quỹ đầu tư cũng như các tổ chức tài chính liên quan có quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào thị trường game Việt Nam, từ đó làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành.
Bên cạnh đó cũng mang đến cho các bạn sinh viên, những người trẻ có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về ngành game Việt Nam một cách đúng đắn hơn, góp phần nâng cao nhận thức người dân về ngành game cũng như cách thức vận hành của các doanh nghiệp game, ươm tạo các dự án khởi nghiệp sáng tạo game…
Trong năm 2021, có đến 28,4 triệu người chơi game tại Việt Nam, doanh thu mang về hơn 665 triệu USD; 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5/10 game studio hàng đầu châu Á Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam; 1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam... Do đó, Việt Nam được đánh giá nằm trong khu vực phát triển nóng nhất và có tiềm năng rất lớn về ngành game.
Tuy nhiên, dù tiềm năng như vậy nhưng ngành game Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hàng loạt rào cản. Đầu tiên, nhận thức của cộng đồng về ngành này được xem là vô bổ, thậm chí có hại và khó có tương lai. Nhưng trên thế giới, game được xem là ngành công nghiệp không khói, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng nêu vấn đề khá nhức nhối hiện nay là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành này và các quy định thu hút nguồn tài chính.
“Các doanh nghiệp game tại Việt Nam vẫn đang sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên cơ sở hoạt động độc lập và chưa có sự gắn kết với nhau để cùng thúc đẩy ngành công nghiệp game phát triển trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay”, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do nhận định.
Sự kiện đã thu hút hơn 1.000 lượt tham dự từ những bạn trẻ, những người yêu thích, tìm hiểu về ngành game cho đến nhiều doanh nghiệp, studio game, thu hút nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước…
Dịp này, Ban tổ chức cũng trao giải chung kết cuộc thi “Tìm kiếm dự án game tiềm năng”. Top 3 dự án xuất sắc nhất sẽ tham dự vòng chung kết, giao lưu các chuyên gia, các quỹ đầu tư và có cơ hội nhận giải thưởng lên đến 10.000 USD.
Được biết, 6 dự án vào chung kết cuộc thi "Tìm kiếm game tiềm năng" gồm: 3D Online Card Game; Smashing Heroes, Ball Defense; Fish's Journey: Draw to Escape; KIA: Escape or Execution; A Tủh In Nowhere và Kawaii Décor.