Chiều 9/7, Ban Chỉ đạo chuyển đối số và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp sơ kết công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024.
HOÀN THÀNH XÂY DỰNG 100% CÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU
Theo báo cáo sơ kết kết quả triển khai chuyển đổi số và Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, triển khai nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay, Bộ Giáo dục Đào tạo đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục.
Trong đó, đối với cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, đã số hóa dữ liệu của gần 22.000 cơ sở giáo dục và nhóm trẻ độc lập, gần 500 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em.
Đối với dữ liệu cơ sở giáo dục phổ thông, đã số hóa dữ liệu của hơn 26,000 cơ sở giáo dục; gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh.
Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học.
Triển khai Đề án số 06, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Từ năm 2022, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh (đạt tỷ lệ gần 98%). Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cũng đã làm giàu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.
Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) hàng năm đã kết nối và đồng bộ chia sẻ dữ liệu việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp. Hiện nay các cơ sở đào tạo đang tiếp tục rà soát cập nhật dữ liệu sinh viên ra trường để có báo cáo đánh giá, phân tích tin cậy.
Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức do Bộ Nội vụ quản lý. Hiện nay đã thực hiện báo cáo được gần 18.000 hồ sơ viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ trên tổng số 20.000 lên có sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân.
Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% học sinh khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ gần 700.000 thí sinh đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.
Từ năm 2023, Bộ Giáo dục Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp. Mỗi năm phục vụ hàng triệu thí sinh thực hiện tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT sử dụng dịch vụ này.
6 tháng đầu năm 2024, một trong những nhiệm vụ nổi bật về chuyển đổi số của ngành giáo dục là triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học.
Để các địa phương có căn cứ thực hiện, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học và nhiều văn bản quy định về thẩm quyền trách nhiệm, mô hình quản lý, đặc tả kỹ thuật về học bạ số để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.
Tính đến ngày 5/7/2024, có tổng số 18 Sở giáo dục đào tạo đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số bao gồm 2.985 trường tiểu học (trong tổng số 14.661 trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc) với 1.747.231 học bạ số cấp tiểu học (trong tổng số 8.919.198 học bạ cấp tiểu học).
Trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị thuộc tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia giao.
Trong đó, hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số cấp Tiểu học và có hướng dẫn phương án triển khai học bạ số trong năm học 2024-2025; đưa vào khai thác, sử dụng các sản phẩm kết quả của dự án xây dựng Trung tâm quản lý, điều hành giáo dục.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án triển khai nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý” trong năm 2025; ban hành Khung năng lực số đối với người học; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng.
"VƯỢT NGẠI" ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá thời gian qua, ngành đã làm được nhiều việc quan trọng trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Theo Bộ trưởng, với một ngành có quy mô lớn, nhiều thách thức, các công việc chưa bao giờ là dễ dàng như ngành Giáo dục thì cần trí tuệ, kinh nghiệm, quyết tâm, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần bắt đầu từ tư tưởng, nhận thức và phải vượt qua được “ngại” để dám làm trong công việc này.
Với công việc chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng trong công việc là không giới hạn, vai trò quản lý phải đi sớm hơn, phải bắt đầu làm ngay.
Đề cập một số việc cần làm trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo mỗi đơn vị cục, vụ hàng năm cần đăng ký một việc cụ thể ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ cho quản lý nhà nước phù hợp với đơn vị mình; có sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị. Bộ trưởng cũng yêu cầu triển khai ngay một số ứng dụng trong lĩnh vực quản lý ngành và xây dựng, triển khai khung năng lực số với cán bộ, công chức.
Về triển khai học bạ số, Bộ trưởng lưu ý đơn vị đầu mối bên cạnh đánh giá hoạt động thí điểm cần đề xuất các việc làm tiếp theo để chuẩn bị ứng dụng từ đầu năm học mới.
Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu triển khai một số chuyên đề sâu với sự tham gia của các chuyên gia; trong đó lưu ý việc làm sao để phát huy sự hỗ trợ của AI giải quyết một số vấn đề mà ngành đang đối mặt.