Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận ngành thủy sản bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu thủy sản. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU có xu hướng giảm dần qua từng năm.
Theo Bộ trưởng, một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn bất cập. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15 % so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát.
Khẳng định Việt Nam sẽ quyết tâm gỡ được "thẻ vàng" IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2023 tới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Theo Bộ trưởng, nếu gỡ "thẻ vàng" nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng "thẻ vàng" khác. So sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.
QUYẾT LIỆT XỬ LÝ VI PHẠM
Với thực trạng đánh bắt hiện nay đã làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng làm tốt công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt.
"“Các quốc gia Philippines hoặc Thái Lan đều sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi. Lãnh đạo chính quyền địa phương nên cùng đối thoại với ngư dân để tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện “Càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt”. Cùng với đó là nâng cao năng lực, kỹ năng đi biển và trách nhiệm của ngư dân”.
Ở giai đoạn hiện tại, cấu trúc ngành thủy sản nước ta còn manh mún, do đó, các cơ quan phải cùng nhau cộng đồng trách nhiệm (ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng) mới có thể quản lý tốt.
Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp. Phải thực hiện tốt một số biện pháp như siết chặt quản lý đầu vào và quan trọng hơn là đầu ra, thay đổi cách quản trị cùng với sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng thì mới có thể giải quyết thành công vấn đề.
Với việc xác định rõ 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác - nuôi trồng - bảo tồn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đã quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho vấn đề này chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng cho đến nay mới chưa đạt 0,12%.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, nêu vấn đề khung pháp lý của Việt Nam về IUU chưa cụ thể, khó thực hiện, đáng chú ý là trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nêu ra được nhóm giải pháp riêng cho vấn đề này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh và khẳng định sẽ nghiên cứu lại những quy định bất cập để sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực thi nghiêm quy định, trong đó có quy định tại Luật Thủy sản, như vậy mới có hiệu quả trong thực tế.
NUÔI BIỂN VÀ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ CHO NGƯ DÂN
Một số đại biểu khác nêu băn khoăn khi nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản, nhưng tình hình quy hoạch nuôi biển hiện còn lúng túng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin: "Theo thống kê, trữ lượng thủy sản ở biển Đông khoảng 3,9 triệu tấn. Hiện chúng ta đã khai thác tới 3,6 triệu tấn/năm, nghĩa là đã đạt ngưỡng. Do đó, nuôi trồng là giải pháp gần như duy nhất để giảm cường lực khai thác". Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Đối với câu hỏi về những chính sách sẽ được áp dụng trong hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã có kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề, nhưng kế hoạch này hơi chậm so với thực tiễn, chính sách cũng chưa thật sự rõ ràng, chưa đủ sức tạo thành cú hích để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
“Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Có thể lựa chọn phương án cho bà con ngư dân lên bờ, nhưng vẫn duy trì các công việc liên quan như nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường. Một hướng đi nữa là có thể chuyển hẳn bà con sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp”, ông Hoan chia sẻ.
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành liên quan, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; quy định của Liên minh châu Âu về IUU. Các văn bản này tạo cơ sở để phát triển nghề cá bền vững, phù hợp thông lệ quốc tế liên quan. Đặc biệt là công tác đồng quản lý nguồn lợi thủy sản được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà ngành phải đối mặt như: thị trường xuất khẩu nhiều biến động, lượng đơn hàng giảm, việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2023 phát hành ngày 21-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam