Chiều 6/4/2022, tại Nam Định, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản tổ chức “Diễn đàn Phát triển ngành hàng nhuyễn thể bền vững” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên cả nước.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu Việt Nam – SCBV” do Liên minh Châu Âu và OXFAM tài trợ.
XUẤT KHẨU SANG EU TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Theo Tổng cục Thủy sản, nhuyễn thể được xác định là một trong những ngành hàng chủ lực bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: nghêu (ngao), sò huyết, ốc hương, trại ngọc, điệp, bào ngư, hàu… Các tỉnh nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh.
Trong năm 2021, sản lượng nhuyễn thể thu hoạch cả nước ước đạt trên 300.000 tấn. Riêng diện tích nuôi nghêu ước khoảng trên 15.720 ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn, năng suất đạt 11,82 tấn/ha.
Hiện nay cả nước có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, trong đó chủ yếu sản xuất giống nghêu. Sản lượng giống nghêu hàng năm hơn 130 tỷ con, đáp ứng được trên 60% nhu cầu nuôi.
Nhiều địa phương, hợp tác xã và người dân đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng nhuyễn thể chủ lực, kết hợp chế biến trên trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể đạt hơn 125 triệu USD, trong đó: ngao (nghêu) đạt hơn 107 triệu USD; sò điệp đạt hơn 12,3 triệu USD; hàu đạt hơn 5,6 triệu USD…
Về thị trường xuất khẩu nhuyễn thể: xuất khẩu sang EU đạt hơn 88,7 triệu USD, tăng 37,9% so với năm 2020; xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 18 triệu USD, tăng trưởng 139,8%; xuất khẩu vào thị trường châu Á đạt hơn 15 triệu USD, tăng trưởng 0,4% (trong đó, sang Nhật Bản đạt gần 3,5 triệu USD, tăng trưởng 6,6%).
Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng mạnh rất mạnh; trong đó, xuất khẩu sản phẩm nghêu tăng 42% với 78 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, nhu cầu thị trường quốc tế về các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ rất cao. Hiện sản lượng thu hoạch ngao ở nước ta chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ châu Âu.
“Tuy nhiên, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm này tại nước này chưa nhiều; sản phẩm thiếu đa dạng, và ít giá trị gia tăng; khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế”, ông Tiệp nêu thực tế.
Ông Tiếp minh chứng bằng số các lô hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu vẫn bị nước ngoài cảnh báo, trong đó: Thị trường EU cảnh báo 3 lô nghêu hấp nhiễm Salmonella (năm 2021); thị trường Đài Loan cảnh báo hàu tươi ướp đá từ Vân Đồn - Quảng Ninh phát hiện Norovirus (năm 2020: 10 lô, năm 2021: 2 lô).
PHẢI GIẢI QUYẾT DỊCH BỆNH, MÔI TRƯỜNG VÀ KỸ THUẬT NUÔI TRỒNG
Những phát biểu tại Diễn đàn đều có chung nhận định: Nghề nuôi nhuyễn thể nói chung và nghề nghêu nói riêng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển.
Tuy nhiên, nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt nuôi nghêu hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Đề cập những nghiên cứu tại các vùng nuôi nhuyễn thể, bà Đặng Thị Lụa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, nêu thực trạng: công tác quản lý môi trường, quản lý nuôi nhuyễn thể cũng như chất lượng con giống còn một số bất cập.
Trong những năm gầy đây, thời điểm tháng 7 - 8 và từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm thường xuyên xuất hiện hiện tượng ngao chết hàng loạt do nguyên nhân chủ yếu là mật độ nuôi cao, kết hợp với biến động bất thường của độ mặn, thời gian phơi bãi và ngao nhiễm tác nhân gây bệnh.
“Nhiều vùng sản xuất sản phẩm không đảm bảo kích cỡ, tỉ lệ thịt và vỏ thấp do con giống có dấu hiệu thoái hóa nguồn gen, mật độ thả nuôi quá nhiều. Vì vậy, các cơ sở nuôi cần tuân thủ các khuyến cáo về mùa vụ, mật độ nuôi các biện pháp quản lý môi trường nuôi để hạn chế thiệt hại khi xuất hiện thời tiết cực đoan và tác nhân gây bệnh".
Bà Đặng Thị Lụa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nhóm các sản phẩm nuôi trong ngành hàng nhuyễn thể nước ta có nhiều cơ hội phát triển tốt như tổng diện tích mặt nước lên tới 1 triệu ha, đường bờ biển dài 3.260km.
Để khai thác hiệu quả cơ hội, nhất là việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022 cao hơn năm 2021, Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế.
"Phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý điều kiện nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản vùng nuôi nhuyễn thể. Cần nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật nuôi nhuyễn thể nhằm nâng cao chất lượng nhuyễn thể thương phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Với Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Thứ trưởng yêu cầu chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Chủ động xác định các sản phẩm nhuyễn thể chế biến có giá trị, phù hợp với thị hiếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại cũng là một ưu tiên mà Cục cần làm.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản phải phối hợp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở để xây dựng, phát triển cơ sở, vùng sản xuất giống, nuôi nhuyễn thể an toàn dịch bệnh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
"Chúng ta cần phải cảm nhận một cách rõ rệt từng yếu tố tác động đến vùng nuôi nhuyễn thể. Không thể vì một vấn đề nhỏ như nước triều xuống lại khiến ngao bị quá nhiệt, gây thiệt hại cho người dân. Từng khâu trong quá trình chọn tạo, nuôi, kiểm soát an toàn phải sâu sát", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Về phía địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân tham gia nuôi trồng nhuyễn thể, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ sở cần hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC…) để nâng cao giá trị sản phẩm.