Tại hội nghị: "Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 5/7/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc bộ không trình bày về các khó khăn. Thay vào đó, phải tập trung vào các giải pháp với phương châm không được nói “có thể nhưng khó” mà phải là "khó nhưng có thể”. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đây là hội nghị của giải pháp, biến điều không thể thành có thể".
CÁC THỨ TRƯỞNG NÊU “KẾ SÁCH”
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Các ngành chủ lực là gỗ và thủy sản đang bị chững lại, nhưng vẫn có một số sản phẩm nông sản xuất khẩu đạt kết quả tăng trưởng cao, như rau quả, gạo, cà phê…
Để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết đã kết nối với các tham tán của Việt Nam tại Hoa Kỳ, châu Âu để liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu, mở cửa thị trường cho con tôm. Bên cạnh đó là mở rộng quy mô xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản…
Về lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đang gặp muôn vàn khó khăn, vì vậy yêu cầu Cục Lâm nghiệp bám sát kịch bản đã xây dựng để điều hành và giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải giảm 10% số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp mỗi năm tính từ 2020.
Về lĩnh vực khoa học công nghệ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến điểm ra một số tồn tại và nêu lên giải pháp, trong đó đang xây dựng đề án thí điểm để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học phát huy tri thức, trí tuệ. Ông cũng nhắc đến các chương trình giống nông sản và đề nghị các đơn vị liên quan phải làm khẩn trương, đi cùng với đó là phối hợp để ứng dụng các công nghệ sinh học vào nghiên cứu giống.
Đối với nhiệm vụ kiểm soát đánh bắt hải sản nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU từ EC, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các đề án đã được thông qua, có cơ chế, chính sách cụ thể.
Trong vấn đề kiểm ngư, Thứ trưởng cho rằng các địa phương đã có những chuyển biến nhất định, số vụ việc khai thác IUU giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng tàu chưa lắp thiết bị giám sát, hoặc đã giám sát nhưng lại ngắt kết nối. Phía Ủy ban châu Âu (EC) thấy chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ các khuyến nghị, nên họ đã dời lịch kiểm tra từ tháng 5 sang tháng 10/2023. Từ nay đến đó, phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng các chương trình, đề án, văn bản; trong đó có 4 Quy hoạch ngành cấp quốc gia; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...
120 NGÀY NỖ LỰC ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 nhưng cũng là cột mốc non nửa nhiệm kỳ 5 năm, có ý nghĩa thúc đẩy hoàn thành kế hoạch 5 năm, tiếp tục thực hiện tốt nhất các nghị quyết, chiến lược đã ban hành.
Theo Bộ trưởng, 170 là ước tính số ngày còn lại trong năm 2023. Trừ đi những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, những ngày nghỉ lễ, chúng ta chỉ còn khoảng trên dưới 120 ngày làm việc cho những nỗ lực, cố gắng để công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đạt được các chỉ tiêu đề ra cho một năm 2023 nhiều khó khăn, nhiều thách thức.
"Tôi mong các giải pháp sẽ sớm được hiện thực hóa, phát huy hiệu quả trên thực tiễn quản trị, điều hành sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần tập trung các giải pháp logistic gắn với đổi mới hệ thống phân phối nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Với xuất khẩu, cần giải pháp ổn định thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Phải tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích về câu chuyện tỉnh Bắc Giang đã chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Đây là một gợi ý để không chỉ bà con nông dân Bắc Giang, mà nhiều địa phương khác có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương, của quốc gia.
Theo Bộ trưởng, các kênh bán hàng, các hình thức thương mại điện tử, giới thiệu, quảng bá nông sản tương tác đa chiều trên mạng xã hội, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là chiếc cầu để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống, quen thuộc lâu nay.
Về đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ các dự án; nâng cao tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tỉ lệ giải ngân cả năm đạt mục tiêu đề ra. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đối với sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi sát tình hình thời tiết để kịp định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động công tác ứng phó, xây dựng các phương án kiểm soát rủi ro thiên tai. Ngành trồng trọt phải xác định giải pháp xây dựng thương hiệu một số nông sản chính, có tính cạnh tranh cao. Ngành chăn nuôi phải kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung cầu mặt hàng thịt lợn, tránh đột biến về giá cả.
Với ngành thủy sản, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện Kế hoạch hành động nói không với IUU, chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra của EC.