Chiều 5/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch của Bộ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết 57; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội (ban hành ngày 19/2/2025; Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 9/1/2025), mới đây Bộ Nông nghiệp và Mội trường đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong toàn ngành Nông nghiệp và Môi trường về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức điều chỉnh, bổ sung yêu cầu vị trí việc làm đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tối thiểu 25% tổng số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ sẽ tập trung vào rà soát, sửa đổi, bổ sung 17 Luật chuyên ngành Nông nghiệp và Môi trường nhằm đảm bảo sự thống nhất, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính; Rà soát điều chỉnh các quy trình nội bộ trên hệ thống điện tử để thay thế giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính; cắt giảm các thành phần hồ sơ khi số liệu đã được số hoá.
Thông tin rõ hơn về nội dung này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang quản lý 1.832 TCVN và 175 QCVN (lĩnh vực nông nghiệp có 1.464 TCVN và 103 QCVN; lĩnh vực môi trường có 368 TCVN và 72 QCVN). Hệ thống TCVN và QCVN đã cơ bản bao quát đầy đủ các chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành. Tuy nhiên, Bộ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng đồng bộ, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung vào thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý nông nghiệp; Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất (blockchain truy xuất nguồn gốc, IoT giám sát môi trường, AI dự báo dịch bệnh, thời tiết.
Mặt khác, sẽ xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai (MPLIS), số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Thứ tư, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt là việc thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, đẩy mạnh loại hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cấp giấy phép tự động, cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phấn đấu bảo đảm mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 đạt, đảm bảo trên 90% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả. Phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, khai thác bền vững tài nguyên.
"Từ năm 2021 - 2025, tổng cộng trên 1.201 chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã và đang được triển khai. Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm cuối cùng và được cơ quan thẩm quyền chấp nhận, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, phục vụ công tác quản lý, đóng góp vào tăng hiệu quả kinh tế khoảng 30%, Trong 5 năm qua, đã công nhận được 461 giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; 216 tiến bộ kỹ thuật; 34 bằng độc quyền sáng chế và 19 giải pháp hữu ích”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp về nông nghiệp và môi trường. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số dưới các hình thức đa phương, song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu thế giới về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ngày 10/05/2025, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành Nông nghiệp và Môi trường.
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 71/NQ-CP, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 503/QĐ-BNNMT.
Theo chương trình, sáng 10/5/2025, hội nghị sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra 4 phiên họp chuyên đề nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường. Hội nghị dự kiến có 450-500 đại biểu tham dự trực tiếp, bao gồm đại diện: Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ban Dân vận và Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Văn phòng Đảng ủy Chính phủ; Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy Chính phủ; Văn phòng Chính phủ; Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công thương, Giáo dục và Đào tạo; UBND, đại diện của 63 tỉnh, thành phố và các viện nghiên cứu.