Tiềm năng
Năm 2022 là năm đáng nhớ với ngành ô tô Việt khi lần đầu tiên doanh số ô tô toàn thị trường cán mốc 500.000 chiếc, tháo gỡ “nút thắt” về dung lượng thị trường vẫn được coi là “vùng trũng” của khu vực khiến các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư e ngại.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), lũy kế năm 2022, tổng doanh số ô tô bán ra của các hãng xe thành viên đạt 404.635 chiếc, tăng 33% so với năm 2021. Doanh số ô tô của tập đoàn TC Group đạt 81.582 chiếc, Vinfast đạt 22.924 chiếc (chưa bao gồm doanh số tháng 9, tháng 10). Như vậy, chưa tính đến một số hãng xe khác không phải thành viên của VAMA, tổng doanh số ô tô toàn thị trường Việt Nam đã đạt trên 510.000 chiếc, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Với kỷ lục mới về dung lượng thị trường, Việt Nam có thể tự tin hơn khi cạnh tranh với các thị trường ô tô lớn của khu vực Đông Nam Á, kéo gần khoảng cách với các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ năm 2018 đến nay có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ. Trong đó, năm 2018 có sản lượng là 287.586 xe, năm 2019 có sản lượng 339.151, năm 2020 là 323.892 xe, năm 2021 sản lượng 346.876 và năm 2022 đạt 439.600.
Số liệu của Bộ Công Thương thì cho thấy tổng công suất lắp ráp theo thiết kế đối với xe dưới 9 chỗ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong 3 năm trở lại đây, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ trên thực tế đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines (xe khách, xe con do Thaco sản xuất, lắp ráp) và Mỹ (xe điện của Vinfast). Ngành ô tô cũng đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang dần khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến hết năm 2022, tổng công suất lắp ráp của các nhà máy ô tô tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.
Bên cạnh dung lượng thị trường đạt được cột mốc mới, năm 2022, Việt Nam đã chứng minh là một thị trường hấp dẫn khi được nhiều sản xuất ô tô lớn trên thế giới chọn làm “bến đỗ” khi xây nhiều nhà máy trực tiếp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Tiêu biểu là Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn ô tô Hyundai năm qua đã chính thức khánh thành nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 (HTMV2) tại khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn, Ninh Bình). Nhà máy HTMV2 được xây dựng trên tổng diện tích hơn 50 ha, diện tích nhà xưởng là 75.000 m2, chiều dài đường chạy thử 1,5 km, tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm. Tổng vốn đầu tư cho nhà máy này là 3.2000 tỷ đồng. Với doanh số ước tính của thị trường ô tô Việt Nam ở mức hơn 400.000 xe/năm vào năm 2021, riêng công suất của nhà máy này đủ sức đáp ứng 25% dung lượng thị trường. Kết hợp với nhà máy HTMV1, tổng công suất của Hyundai Thành Công đạt 180.000 xe/năm.
TC Motor và Skoda Auto cũng đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược. Hai hãng này có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe Skoda tại tỉnh Quảng Ninh - nơi đặt nhà máy của TC Motor ở mảng công nghiệp phụ trợ. Skoda chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đặt nhà máy lắp ráp ô tô.
Một dự án khác gây chú ý năm 2022 đó là nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco ở Thái Bình cũng gây chú ý được đầu tư 7.000 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ quý I/2023, hoàn thành đưa vào hoạt động từ quý III/2024 và sử dụng khoảng 1.200 nhân lực. Với tổng vốn đầu tư gần 19.000 tỉ đồng, nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco dự kiến sẽ là một trong những nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất tại Việt Nam khi đi vào hoạt động.
TMT Motors của Việt Nam và Liên doanh GM - SAIC - WULING cũng đã ký thỏa hợp tác chiến lược vào tháng 2/2203. Liên doanh GM và SAIC - WULING cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ôtô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Mẫu xe nói trên sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai, khi TMT Motors giới thiệu thêm các mẫu ôtô điện khác.
Ngoài ra, vào tháng 2/2022, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính (TF Group) đã tổ chức lễ khởi công Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỉ đồng tại xã Đại Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Nâng cao tỉ lệ nội địa hóa
Năm 2021, theo danh sách về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, Việt Nam đã sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, 14 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô tải. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất được những sản phẩm giản đơn như băng keo dán kính chắn gió, nhãn tiêu thụ năng lượng, tem đăng kiểm, tem nhiên liệu, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp không săm, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí… Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và danh sách này không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe.
Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm qua đã càng có nhiều mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam. Điều này có thể thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và làm cho việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô Việt trở nên khả thi hơn trong thời gian tới.
Theo Toyota Việt Nam, hiện có tổng cộng có 237 chi tiết của xe Veloz Cross và Avanza Premio được sản xuất bởi 30 nhà cung cấp tại Việt Nam. Danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, với tổng sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại. Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng của Toyota Việt Nam đạt trên 40%.
Vào tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã ký Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô, triển khai trong năm 2022 - 2023. Đây cũng là năm thứ ba, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Trong khi đó, THACO cũng đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa một số mẫu xe lên trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các thị trường ASEAN.
Trước đó, từ năm 2017, THACO bắt đầu một chu kỳ đầu tư phát triển mới với mục tiêu chiến lược là xây dựng Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai – Trường Hải trở thành Trung tâm cơ khí - ô tô và công nghiệp hỗ trợ mang tầm khu vực. Bên cạnh việc nâng cấp các nhà máy hiện hữu, THACO đã tiếp tục đầu tư mới các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, gồm nhà xe tải mới; nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á, dây chuyền tự động hóa hoàn toàn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Mazda Nhật Bản; nhà máy xe bus cao cấp có quy mô và công nghệ hiện đại nhất khu vực ASEAN…
THACO cũng tiếp tục thực hiện đầu tư chiến lược để gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước bằng các dự án phát triển nhà máy công nghiệp hỗ trợ mới như nhà máy linh kiện nhựa; nhà máy sản xuất máy lạnh xe tải, xe bus; nhà máy sản xuất khung gầm xe bus; nhà máy sản xuất ống xả ô tô; nhà máy sản xuất xy lanh thủy lực; nhà máy sản xuất mâm ô tô; nhà máy sản xuất thùng nhiên liệu ô tô; các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng cho xe du lịch và các linh kiện cơ khí khác ngoài ngành ô tô. Nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt với quy mô lớn, đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu riêng lẻ của từng khách hàng cụ thể, THACO còn tập trung xây dựng Trung tâm R&D nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm ô tô, linh kiện phụ tùng; đồng thời mở rộng nghiên cứu phát triển các thiết bị cơ giới nông nghiệp, thiết bị cơ khí xây dựng và thiết bị công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo lợi thế, gia tăng năng lực cạnh tranh, doanh thu và lợi nhuận trong những năm tiếp theo, THACO INDUSTRIES đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án: Trung tâm R&D; Tổ hợp Nội thất ô tô; Công ty Lắp đặt và Dịch vụ bảo trì; Sản xuất kính xe du lịch, mâm xe, thiết bị điện tử, linh kiện ô tô; dập nóng, đúc kim loại; Trung tâm Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ phía Nam tại tỉnh Bình Dương.
Không chỉ sản xuất lắp ráp ô tô mà còn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, THACO là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện OEM. Công ty đã đầu tư sản xuất và cung cấp các linh kiện nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam của các hãng như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), Mitsubishi Fuso (Nhật Bản).
THACO cũng đã hợp tác sản xuất và cung ứng linh kiện phụ tùng với các nhà sản xuất ô tô, xe máy, các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác trong và ngoài nước. Công ty đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất Việt Nam tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) với quy mô 100 ha, gồm 12 nhà máy linh kiện phụ tùng và Tổ hợp Cơ khí sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô và ngoài ngành ô tô.
Việc xuất khẩu nhiều loại sản phẩm linh kiện phụ tùng và liên tục mở rộng thị trường kinh doanh trong nước gần đây đã cho thấy kết quả của THACO khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với thị trường trong nước, THACO cung cấp các sản phẩm: kính, nhíp, ghế, dây điện, máy lạnh, Audio, AVN, ống xả, moving parts, la phông trần, tappi sàn, tấm lót khoang hành lý, pallet nhựa xe đẩy hàng, sơn linh kiện nhựa, cản xe, khuôn, linh kiện cơ khí ô tô, cơ khí xây dựng, cơ khí nông nghiệp, thiết bị công nghiệp… cho các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của THACO tại KCN THACO Chu Lai và các công ty bên ngoài THACO.
Trong khi đó, trước xu thế điện khí hoá, VinFast, cái tên còn non trẻ trong ngành công nghiệp ô tô thế giới nhưng đang tạo được những dấu ấn riêng cũng được xem là đơn vị tiên phong trong quá trình đẩy mạnh nội địa hoá. Với các sản phẩm xe của mình VinFast có tỉ lệ nội địa hoá đến 60% từ: khung gầm, nội thất, ngoại thất, hệ thống điện, hệ thống tự động hoá, các phần mềm nhúng ứng dụng AI, hệ thống JIG hàn thân vỏ xe của các nhà sản xuất trong nước, JIG là sản phẩm công nghệ cao kết hợp công nghệ thiết kế có mô phỏng, công nghệ tự động hóa điều khiển PLC, khí nén, lập trình robot, một công nghệ chứa hàm lượng chất xám cao và rất khó để đàm phán mua hoặc chuyển giao từ các nước ngoài.
Ngoài ra, trong thời gian tới Vinfast cũng làm chủ hoàn toàn việc sản xuất pin sau khi khởi động nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh. Với 80% là tự động hóa, nhà máy Pin VinES sẽ là nhà máy pin hiện đại đầu tiên tại Việt Nam, áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn Châu Âu. Toàn bộ hạ tầng của nhà máy gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói được xây dựng nhằm đảm bảo đạt công suất 100.000 pack pin/năm.
Trước những bước tiến mới của ngành ô tô Việt với những đầu tàu của ngành như THACO Trường Hải, TC Motors, VinFast, có thể thấy các nhà sản xuất Việt Nam đang khẳng định được vị thế và tiềm lực không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng đánh giá bên cạnh những mặt hạn chế còn tồn tại thì ngành ô tô Việt Nam đang cho thấy sự hấp dẫn khá lớn với các nhà đầu tư với nhiều tiềm năng chờ được khai phá.