Chưa tròn 18 tuổi, chàng trai Đào Nguyên Cát (sinh tại làng Cổ Am, đông nam Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng; ngôi làng được mặc định là “Làng khoa bảng, làng cách mạng”), được cấp trên điều động và trở thành cán bộ cốt cán Phòng Thông tin huyện Vĩnh Bảo.
Với công việc thường ngày là “tuyên truyền đường lối cách mạng” trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (19/12/1946) lan rộng, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ truyền đi các thông điệp để nhân dân nhận thức rõ âm mưu, dã tâm đen tối của kẻ thù.
Đáng lẽ, ở cái tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới” thì ông, đã phải gánh trên vai hàng loạt trọng trách nặng nề: vừa tuyên truyền, vừa cùng đồng đội trong “đội tự vệ” bố trí lực lượng canh gác, đào hào, phá đường số 10 qua huyện Vĩnh Bảo ngăn xe cơ giới của địch.
Năm 1951, Ban Tuyên Huấn Trung ương, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương được thành lập, đồng chí Trường Chinh là Trưởng Ban. Ban này có nhiều tiểu ban, một trong số đó là Tiểu ban Huấn học do đồng chí Nguyễn Chương, Xứ uỷ Bắc Kỳ làm Trưởng Tiểu ban. Ông Đào Nguyên Cát được giao nhiệm vụ uỷ viên thường trực Tiểu ban Huấn học và phụ trách Tạp chí Học tập, công cụ hướng dẫn cán bộ, đảng viên tìm hiểu đường lối chính sách của Đảng, lý luận Mác - Lê nin.
Sau năm 1954, ông là nhân lực chủ chốt ở Vụ Huấn học thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, được làm việc bên cạnh những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng…
Trong cuộc đời hoạt động về sau cho đến khi nghỉ hưu, ông đã trực tiếp biên soạn và/hoặc tham gia biên soạn hàng trăm cuốn sách, tạp chí, bài viết về lý luận của Đảng trên mặt trận văn hoá tư tưởng, kinh tế chính trị và các tài liệu phục vụ nghị quyết của nhiều kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Trung và Nga. Ông cũng từng là Tổng biên tập Tạp chí Tuyên huấn (Ban Tuyên huấn Trung ương), được đào tạo tại Trường Đảng cao cấp Liên Xô, được cử đi học nâng cấp trình độ tại Viện Hàn lâm Đảng Cộng sản Liên Xô.
Nghỉ hưu, người đời vẫn chọn thú “điền viên” nhưng ông lại khởi nghiệp ở lĩnh vực báo chí kinh tế.
Rất khó để giải thích vì sao ông chọn lĩnh vực này và xác định luôn phân khúc hoạt động: bộ ngành quản lý kinh tế, giới nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng cùng với thời gian, đã chứng minh sự chọn lựa đó là rất phù hợp.
Đã bao nhiêu thế hệ phóng viên, nhà báo kinh tế từ “chiếc nôi” Thời báo Kinh tế Việt Nam trưởng thành mỗi ngày và không ít trong số đó đã định hình được thương hiệu dù ở lại hay ra đi. Ở họ, dường như được mặc định những đặc trưng rất riêng: bám ngành sâu, cách tiếp cận vấn đề khách quan nhưng gắn liền với một sứ mệnh: hỗ trợ quản lý, hỗ trợ thị trường.
Làm nghề báo, không dễ gì lựa chọn cho mình hướng đi “tất cả đều là bạn”, bởi lẽ, vấn đề xung đột lợi ích giữa các nhóm quản lý và thị trường thường xuyên diễn ra. Có lẽ, câu chuyện ở đây không dừng ở chuyện “đứng về phía nào” mà là thái độ, sự ứng xử, cách thức tiếp cận trước mỗi vấn đề của cuộc sống. Ông đã dẫn nghề cho các thế hệ phóng viên đi giữa những xung đột lợi ích theo một cách nào đó rất khó gọi tên nhưng đến nay, đã 30 năm trôi qua, nhóm 5 ấn phẩm thuộc Thời báo Kinh tế Việt Nam vẫn nằm sâu trong lòng bạn đọc.
Phụng sự tổ quốc, đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu độc giả là hội tụ của những cặp phạm trù thống nhất và đối lập. Mỗi nhóm đối tượng đều xuất phát từ góc nhìn của mình, từ yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ, từ lợi ích trực tiếp và trên hết của chính nhóm mình. Do đó, làm sao báo chí vừa phải phản ánh trung thực bản chất của sự việc, hiện tượng; vừa phải hài hòa và thúc đẩy các nhóm cùng soi chiếu trên một mẫu số chung, một mục tiêu chung để cùng phát triển là nhiệm vụ cao cả và không phải dễ dàng hoàn thành tốt.
Khi doanh nhân, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt và xung kích trên mặt trận kinh tế, các chủ trương, chính sách và hành động của Chính phủ đều hướng sự quan tâm và tập trung tháo gỡ những rào cản, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tổ hợp 5 ấn phẩm của Thời báo Kinh tế Việt Nam trong hàng chục năm liền được coi là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp và giới nghiên cứu. Đã từng, đầu giờ sáng, trên bàn làm việc của các doanh nhân tên tuổi, tờ báo Thời báo Kinh tế Việt Nam được coi là điểm nhấn để ghi nhận đẳng cấp, tầm vóc của họ cũng như là công cụ tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Còn với bộ ngành quản lý và giới nghiên cứu, sinh viên các trường khối ngành kinh tế, địa chỉ tìm số liệu và “nghe ngóng” thị trường không thể nơi nào tốt hơn ở tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Theo hành trình thăng trầm của nền kinh tế, quy mô tờ báo ngày càng mở rộng thêm nhưng ông luôn quán triệt quan điểm với hơn 200 cán bộ, phóng viên: phải khách quan, trung thực trong tác nghiệp. Và, đó là một trong những bí quyết để giữ hơi thở tờ báo trong lòng độc giả được lâu hơn, dù ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau, dù ở những thời điểm báo chí bị chèn lấn bởi các công cụ mạng xã hội.
Giáo sư Đào Nguyên Cát không nói nhiều, chỉ thi thoảng thôi, nhưng văng vẳng trong nhiều thế hệ phóng viên là “sống phải vị tha và nhân hậu”. Một điều lạ lùng, có lẽ trong làng báo, ông còn là tổng biên tập hiếm hoi chấp nhận và thoả hiệp với những người đối lập.
Ông cho rằng cuộc sống là tổng hòa của những giá trị đồng nhất và mâu thuẫn. Ông đã sống và trải nghiệm gần 94 năm cuộc đời, đi qua nhiều cuộc chiến tranh, từng vào sinh ra tử. Đặc biệt là hoạt động chuyên trách trên mặt trận văn hoá tư tưởng, vốn là lĩnh vực nhạy cảm, ranh giới “địch - ta”, “tốt - xấu” khá trừu tượng và không ít lần ông trở thành nạn nhân của đố kỵ. Nhưng, ông đã vượt qua và lan toả tấm lòng bao dung, độ lượng với “đàn con” của mình.
Tấm lòng của ông còn ở chỗ: mở cơ hội việc làm cho tất cả. Trong ông dường như không có khái niệm phân biệt đối xử, từ bằng cấp, giới tính hay tuổi tác. Bất kể ai, chỉ cần biết yêu lao động, nỗ lực vượt giới hạn bản thân là có thể cộng tác ở Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Và, thay vì đường lối quản trị chuẩn mực, máy móc thậm chí là hà khắc như ở nhiều tờ báo khác, ông đặt vào đó những nguyên tắc cơ bản: đúng đường lối của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ quản lý, hỗ trợ thị trường và quản trị vị tha. Cứ như vậy, tổ hợp Thời báo Kinh tế Việt Nam cứ lớn lên từng ngày song hành với sự đa dạng về về tuổi tác, bằng cấp và cả sự nhường nhịn.
Ngày 21/6 năm nay, kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên, cũng là ngày ông bước sang tuổi 94. Các thế hệ cán bộ lãnh đạo, phóng viên kính chúc ông thật nhiều sức khoẻ, để tiếp tục ghi nhận và tự hào về những thành quả của Thời báo Kinh tế Việt Nam.