Ngày 15/9, hàng nghìn người El Salvador đã xuống đường biểu tình phản đối việc chính phủ nước này chính thức chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán chính thức cũng như hàng loạt động thái được cho là nhằm củng cố quyền lực của Tổng thống Nayib Bukele.
Hàng nghìn người đã diễu hành tới quảng trường trung tâm tại thủ đô San Salvador của El Salvador. Một số người mặc áo phông in chữ “Nói không với Bitcoin”, một số khác giơ biển với dòng chữ “chúng ta đã bị lừa bởi Bitcoin”. Các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra trong hòa bình, nhưng một nhóm đã đập vỡ cửa sổ và đốt một máy ATM Bitcoin được lắp đặt vào tháng trước.
Từ ngày 7/9, El Salvador chính thức chấp nhận Bitcoin trở thành đồng tiền pháp định và chính phủ nước này đã đề xuất sửa đổi hơn 200 điều trong hiến pháp, trong đó có việc loại bỏ điều khoản cấm bầu cử lại tổng thống.
Ông Bukele được bầu làm tổng thống vào năm 2019 và nhận được sự ủng hộ lớn với cam kết chấm dứt nạn tham nhũng đang lan tràn trong các đảng của El Salvador. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông đang trở thành “kẻ độc tài” và cuộc biểu tình hôm 15/9 là cuộc biểu tình lớn nhất chống lại chính phủ của ông.
“Đã đến lúc bảo vệ nền dân chủ”, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Sidney Blanco, một trong những người tham gia biểu tình, nói. “Cuộc biểu tình này mang tính biểu tượng, thể hiện sự mệt mỏi của công chúng với quá nhiều hành vi vi phạm Hiến pháp của chính phủ”.
Còn theo nhà lập pháp đảng đối lập Claudia Ortiz, vấn đề Bitcoin là một quyết định rất lớn về kinh tế và nó được thực hiện theo cách hoàn toàn phi logic khi được gửi đến quốc hội và được thông qua trong cùng một ngày.
"Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc khi chi phí sinh hoạt và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Và phản ứng của chính phủ, thay vì đưa ra các chính sách kinh tế nghiêm túc, là chấp nhận Bitcoin làm đồng tiền chính thức”, bà Ortiz bày tỏ quan điểm.
Tuần trước, chính phủ El Salvador ra mắt ví điện tử có tên Chivo nhưng hệ thống này thường xuyên dừng hoạt động để bảo trì. Theo các nhà quan sát, ví điện tử này dường như bị quá tải bởi nhiều người El Salvador đua nhau tranh thủ khoản tiền thưởng 30 USD mà chính phủ tặng cho mỗi tài khoản để khuyến khích sử dụng. chính phủ El Salvador đã mở một quỹ trị giá 150 triệu USD để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ Bitcoin sang USD.
Tổng thống Bukele thừa nhận việc triển khai đưa Bitcoin làm phương tiện chính thức trong 3 tháng của chính phủ có thể quá tham vọng. Ông cho biết trục trặc kỹ thuật đã khiến ứng dụng không hoạt động được trên một số dòng điện thoại.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi việc chính phủ El Salvador nhiệt tình chấp nhận Bitcoin làm đồng tiền chính thức bên cạnh đồng USD kể từ khi ông Bukele công bố việc này trong một video nói tiếng Anh và phát tại một hội nghị về Bitcoin tại Miami (Mỹ) hồi tháng 6. Chỉ vài phút sau đó, giá đồng Bitcoin đã biến động mạnh.
Tổng thống Bukele nói rằng việc đưa Bitcoin thành phương tiện thanh toán chính thức sẽ giúp kiều dân El Salvador ở nước ngoài tiết kiệm được một lượng lớn phí chuyển tiền khi họ gửi tiền về nước.
Năm ngoái, kiều dân El Salvador, chủ yếu ở Mỹ, gửi khoảng 6 tỷ USD về nước. Số tiền này tương đương khoảng 23% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của El Salvador. Ông Bukele nói rằng việc sử dụng Bitcoin sẽ giúp tiết kiện mỗi năm 400 triệu USD phí chuyển tiền kiều hối.
Tuy nhiên, theo Reuters, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân El Salvador đang hoài nghi về việc sử dụng Bitcoin do lo ngại về những rủi ro từ mức độ biến động cao của đồng tiền ảo này. Trong khi đó, dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy phí chuyển kiều hối từ Mỹ về El Salvador đã thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.
Sau khi đạo luật Bitcoin mà ông Bukele khởi xướng được Quốc hội El Salvador thông qua, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ điểm tín nhiệm nước này. Trái phiếu phát hành bằng USD của El Salvador cũng trượt giá.