Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), sáng 27/11.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề việc làm chịu tác động bởi nhiều hệ thống pháp luật, chính sách, đặc biệt là các chế định về kinh tế, đầu tư, tín dụng, thuế, doanh nghiệp, hợp tác xã, đến các quy định pháp luật về giáo dục, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, tiền lương…
Trong bối cảnh các xu thế mới, nhất là việc làm xanh, việc làm số và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), việc chuyển đổi năng lượng, thích ứng với già hóa dân số, đã và đang tác động rất đa dạng, làm thay đổi, biến động, đòi hỏi cần tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự lường những vấn đề mới.
Đồng thời, đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, với mục tiêu là thúc đẩy, xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập.
Trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn. “Đây là vấn đề trọng tâm trong luật này cần đặt ra và nhìn nhận một cách nghiêm túc về thị trường lao động Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, hơn 10 năm qua, Luật Việc làm đã có nhiều quy định không còn phù hợp. Đơn cử như thiếu cơ chế để phát huy đa nguồn lực xã hội, không theo kịp xu thế, cũng như thiếu cơ chế để thúc đẩy giải quyết việc làm. Cùng với đó, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động những năm vừa qua tuy có tiến bộ, song nhìn chung còn chậm.
Lao động phi chính thức kèm theo điều kiện thụ hưởng còn thấp, rủi ro và thiếu bền vững. Các chế định trong tham gia hỗ trợ việc làm còn nhiều bất cập. Thị trường lao động còn manh mún và thiếu liên thông. Thiếu các khâu đột phá mạnh về đào tạo nhân lực, đầu tư chưa tương xứng cho nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới phục vụ cho phát triển nhanh của đất nước.
Vì vậy, Bộ trưởng cho biết trên cơ sở dự thảo Luật, và góp ý của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện theo hướng bổ sung làm rõ hơn, thể chế phải góp phần quản trị, đặc biệt là tạo ra khung khổ pháp lý để tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và năng suất lao động cao.
Đối với vấn đề tạo việc làm đầy đủ và chất lượng, Bộ trưởng nêu rõ sẽ tập trung vào những vấn đề có tính chất nguyên tắc, gốc là phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết gia tăng việc làm; cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm; cải thiện hệ thống dịch vụ công về việc làm.
Tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động; kiên quyết xóa bỏ rào cản thể chế bất bình đẳng trong việc làm; cải thiện hệ thống an sinh xã hội, và thúc đẩy tạo việc làm, nhất là việc làm chất lượng cao.
“Trong đó Nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo. Người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc của mình, và kích hoạt các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Về năng suất lao động, Bộ trưởng cho rằng trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi đa dạng, phức tạp và nhanh chóng khó lường như hiện nay, chúng ta phải thích ứng nhanh với xu hướng phòng ngừa già hóa dân số, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu, và tác động nhanh, sâu sắc, căn bản của khoa học công nghệ. “Điều này vừa là tận dụng lợi thế, nhưng cũng phòng ngừa và hạn chế tất cả những rủi ro thách thức”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam phụ thuộc bốn yếu tố cơ bản, bao gồm: Mức độ thay đổi và loại hình công nghệ sẽ thay đổi; trình độ kỹ năng lao động; chính sách quốc gia áp dụng hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tác động của trí tuệ nhân tạo.
Theo nghiên cứu, dự báo của các nhà khoa học đối với Việt Nam, số việc làm sẽ bị đe dọa bởi AI tại nước ta khoảng 14%, số việc làm có nguy cơ bị thay đổi khoảng 32%...
“Trong bối cảnh đó, khó có thể chi tiết hóa tất cả các chính sách trong luật này, mà đòi hỏi phải xây dựng khung chính sách có tính chất mở, dễ điều chỉnh, dễ thích ứng trong từng thời gian. Tính bền vững của luật là như vậy”, Bộ trưởng nói.
Vì vậy, Luật lần này tập trung vào một số vấn đề cơ bản nhưng mở cửa tiếp cận kỹ năng cho tất cả mọi người, nhất là tiếp cận rộng rãi về giáo dục đào tạo, học suốt đời, tư vấn đào tạo kỹ năng thích ứng trong nghề nghiệp.
Đồng thời, hoàn thiện thị trường lao động toàn diện thích ứng và bền vững, giải quyết tình trạng bất ổn phi chính thức trên thị trường lao động; cải thiện chất lượng việc làm; thúc đẩy sự gia tăng, sự năng động của doanh nghiệp, sự lan tỏa của công nghệ; hạn chế tác động của mặt trái thị trường.
“Trong bối cảnh tốc độ năng suất lao động của thế giới hiện nay đang suy giảm, sửa Luật Việc làm cũng cần tập trung lấy người lao động, lấy việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững. Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp. Có đối tượng cần khai thác, song có đối tượng cần phát huy, có đối tượng vừa bồi dưỡng vừa sử dụng…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp tiếp tục bổ sung làm rõ, để trình các nội dung tại dự án Luật này trong kỳ họp tới.