Báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho thấy nhóm từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao, chiếm 40,95%, chỉ sau nhóm từ 25-34 tuổi (chiếm 48,86%). Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
THỊ TRƯỜNG TUYỂN DỤNG THAY ĐỔI
Nguyên nhân trước hết theo các chuyên gia phải kể đến là do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề, khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời. Các công việc hiện đại thường yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ mới mà lao động trung niên có thể thiếu.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy 70% các vị trí công việc yêu cầu người lao động phải có kỹ năng công nghệ thông tin/tin học văn phòng. Đây là thách thức đối với lao động trung niên trong việc chuyển đổi kỹ năng làm việc.
Bên cạnh đó, lao động trung niên cũng gặp phải sự cạnh tranh với lao động trẻ. Lao động trẻ thường được ưu tiên tuyển dụng vì họ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và có thể sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.
Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho lao động trung niên. Nhà tuyển dụng có thể có định kiến rằng lao động trung niên có năng suất làm việc kém hơn, hoặc khó thích nghi với những thay đổi và công nghệ mới.
Những định kiến này dẫn đến việc họ ít có cơ hội được phỏng vấn và tuyển dụng. Có trên 60% lao động trung niên không được đào tạo bằng cấp kỹ thuật, trong khi con số này ở nhóm lao động trẻ chỉ là 45%.
Nguyên nhân nữa là do thiếu kỹ năng và đào tạo liên tục. Lao động trung niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết do không có cơ hội, hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo liên tục và cập nhật. Việc này khiến họ khó cạnh tranh với lao động trẻ hơn trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới.
Trong một thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, khả năng học tập suốt đời và nâng cao kỹ năng là rất quan trọng. Lao động trung niên có thể gặp khó khăn trong việc tham gia các chương trình đào tạo và học tập suốt đời do các trách nhiệm gia đình hoặc tài chính.
Mặt khác, hiện vẫn thiếu các chính sách và chương trình hỗ trợ đặc thù cho lao động trung niên trong việc tìm kiếm việc làm, và nâng cao kỹ năng.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các chính sách này cần tập trung vào việc đào tạo lại, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các ngành nghề mới và hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.
Ngoài ra, lao động trung niên cũng cần thích ứng với xu hướng làm việc mới. Một số lao động trung niên có thể chọn con đường làm việc tự do (freelance), hoặc khởi nghiệp như một cách đề duy trì thu nhập và phát triển sự nghiệp.
Những lĩnh vực như tư vấn, đào tạo và dịch vụ chuyên môn có thể phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của họ. Một số lao động trung niên có thể tìm kiếm các công việc bán thời gian, hoặc công việc tạm thời để duy trì thu nhập và có thêm thời gian để học hỏi, phát triển kỹ năng mới.
Đối với doanh nghiệp, có thể thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động trung niên, giúp họ cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc.
ĐƠN HÀNG CÓ NHƯNG DOANH NGHIỆP KHÔNG TUYỂN ĐƯỢC NGƯỜI
Trong khi có những rào cản khiến người lao động khó khăn khi tìm việc, thì có thực tế là doanh nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự, khi không tuyển được người.
Chia sẻ tại một tọa đàm Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn mới đây, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt, kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng năm nay theo số liệu trên nền tảng này tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề tài xế và kho vận; công nhân; xây dựng và bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.
Với đà phục hồi của kinh tế từ đầu năm đến nay, 85% doanh nghiệp trả lời họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Hơn thế, 30% doanh nghiệp trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng, khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cũng cho biết thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng. “Là cán bộ nhân sự nhưng lần đầu tiên, chúng tôi không tuyển dụng đủ lao động cho nhà máy trong năm 2024. Dù công ty đảm bảo thu nhập, tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, trong đó 25% thu nhập đến từ tăng ca”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, doanh nghiệp cũng không quan trọng độ tuổi, độ tuổi trung bình tại công ty hiện nay là 40 tuổi. Tuy nhiên, lao động trẻ không mặn mà với công việc trong ngành may. Không chỉ khó tuyển, số lao động nghỉ việc thời gian qua khá lớn.
“Nguyên nhân một phần do tiêu chí tuyển rất dễ nên người lao động cũng dễ nghỉ việc, họ có nhiều lý do để nghỉ việc như áp lực công việc, gia đình có việc riêng… Do có trợ cấp thất nghiệp nên họ cũng an tâm trong thời gian nghỉ việc. Đến khi nhận hết trợ cấp thất nghiệp thì họ mới trở lại làm việc”, ông Sơn nói và cho hay năm 2023 - 2024, số lao động chờ hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá lớn. Nhiều người đến xin việc xin không ký hợp đồng để hưởng thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần.
Doanh nghiệp cũng có chính sách trong tuyển dụng như thưởng cho người giới thiệu nhân sự, mời công nhân cũ trở lại làm việc…, song vẫn không đủ. Mộ số doanh nghiệp giảm lao động với số lượng lớn, nhưng công ty cũng không thể tuyển được lao động do khác ngành nghề; do người lao động không muốn chuyển nơi ở do việc học hành của con cái…
Với thực tế này, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại TP. HCM, cho rằng để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp cần có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó người lao động cần được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần thúc đẩy môi trường làm việc đa dạng, trong đó lao động trung niên cũng được coi trọng và có cơ hội bình đẳng trong việc phát triển sự nghiệp. Điều này bao gồm việc đánh giá công bằng dựa trên năng lực và kinh nghiệm, thay vì tuổi tác.