Phát biểu tại hội thảo "Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống sau đại dịch trên thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam nên thích ứng như thế nào?”diễn ra vào ngày 30/9/2022, TS. Nguyễn Đức Vượng, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết xu hướng thay đổi của người tiêu dùng sau dịch đầu tiên là quan tâm nhiều đến thực phẩm tốt cho sức khỏe. Đó là các loại thực phẩm sử dụng đạm thay thế như plant-based (gốc thực vật) và các loại thực phẩm khác.
Thứ hai là nhóm thực phẩm chứa lợi khuẩn. Vai trò của vi sinh vật có lợi được quan tâm, thực phẩm có lợi cho sự sinh trưởng của prebiotic, probiotic, symbiotic trên nền có sữa và không sữa động vật được ưa chuộng hơn.
Thứ ba là nhóm thực phẩm từ các nguyên liệu trong nước và sản xuất trong nước, tức sản phẩm địa phương được người tiêu dùng quan tâm.
Thứ tư, nhu cầu trải nghiệm thực phẩm ngày càng trở lên mạnh hơn, đặc biệt là thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ, sức đề kháng được quan tâm hơn cả. "Giá trị sử dụng về dinh dưỡng và sức khỏe của sản phẩm được đẩy lên cao nhất đối với người tiêu dùng", ông Vượng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cũng nhận định "plant-based" (chế độ ăn uống các thực phẩm từ thực vật) đang trở thành một xu hướng. Trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng nguồn lương thực ngày càng cao thì "plant-based" lại càng được quan tâm. Nhiều nước trên thế giới cũng đang bùng nổ xu hướng này và Việt Nam đang xuất hiện nhiều nhà hàng, chuỗi nhà hàng chay.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, người tiêu dùng ngày càng quan tâm thông tin trên nhãn thực phẩm. Việc lựa chọn thực phẩm cũng trở nên kỹ tính hơn thông qua nhãn ghi trên bao bì.
Nhằm giúp người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm an toàn, phù hợp nhu cầu sử dụng, bà Hồ Ngọc Phương Thảo, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), hướng dẫn người tiêu dùng tra cứu, lựa chọn thực phẩm đáng tin tưởng thông qua việc đọc thông tin tiêu chuẩn ở nhãn sản phẩm, những chi tiết về thành phần dinh dưỡng, tuyên bố và chứng nhận trên nhãn sản phẩm…
Theo ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gãy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để xuất khẩu lương thực, thực phẩm vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn. Hiện ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,66 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Riêng với TP.HCM ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.