Ghi nhận trong tuần trước (3-6/1), Fed đã công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12, trong đó cho thấy các cuộc thảo luận quan chức Fed đang từng bước vào một giai đoạn mới, trong đó, rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm được nhắc đến nhiều hơn, nhưng ở giai đoạn hiện tại, việc hạ nhiệt lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu và do vậy sẽ vẫn giữ lãi suất cao trong thời gian tới.
Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, số liệu về PMI sản xuất và dịch vụ kém tích cực của thị trường này trong khi đó báo cáo về tại thị trường lao động Mỹ vào cuối tuần vẫn cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm và tiền lương ổn định trong tháng 12.
Đồng USD nhờ vậy biến động trái chiều trong tuần, tăng trong các phiên đầu tuần và giảm nhiệt vào phiên thứ 6. Kết tuần, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh chỉ tăng nhẹ 0,3%.
Trên thị trường trong nước, thanh khoản tiền đồng tích cực, kết hợp với dòng tiền ngoại tệ khả quan (kiều hối, FDI và cán cân thương mại) giúp tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt, giảm khoảng 0,7% so với cuối tuần trước. Bên cạnh đó, tỷ giá thị trường tự do hiện cũng chỉ còn giao dịch ở mức 23.700 VND, tương đương với tỷ giá trên thị trường niêm yết.
Đáng chú ý, tỷ giá liên ngân hàng đã giảm xuống về vùng 23.450 VND, mức tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước tại Sở Giao dịch.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, thông thường, theo yếu tố mùa vụ, dòng vốn ngoại tệ thường khá tích cực trong giai đoạn đầu năm, nhất là kiều hối và Ngân hàng Nhà nước thường thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối và cung cấp thanh khoản tiền đồng giai đoạn trước Tết nguyên đán.
"Diễn biến của tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng có thể kích hoạt việc bán USD từ khối ngân hàng thương mại, tức Ngân hàng Nhà nước có thể bắt đầu mua vào USD", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Cũng trong giai đoạn cận Tết nguyên đán như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bơm ròng tiền để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Cụ thể, trên kênh hoạt động thị trường mở, nhà điều hành tiền tệ tiếp tục linh hoạt kết hợp nghiệp vụ mua kỳ hạn và bán tín phiếu. Trong đó, trên kênh mua kỳ hạn, gần 22 nghìn tỷ đồng trên tổng số 26 nghìn tỷ đồng chào thầu được phát hành ở kỳ hạn 7 ngày và lãi suất là 6,0%, giảm gần một nửa so với tuần trước trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ổn định.
Trên kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước chào thầu với kỳ hạn 7 ngày ở hầu hết các phiên, với tổng khối lượng trúng thầu đạt 77,4,4 nghìn tỷ đồng, lãi suất dao động từ 5,2% đến 6,0%.
Như vậy, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng nhẹ 13,1 nghìn tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Mặc dù được bơm tiền hỗ trợ nhưng thanh khoản hệ thống bắt đầu căng dần. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh. Hiện chốt phiên giao dịch hôm qua (9/1), lãi suất kỳ hạn qua đêm dừng ở mức 5,08%/năm, tương đương tăng tới 2,0 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2022. Các kỳ hạn khác cũng tăng tương ứng và đang giao dịch tại mức: 1 tuần 5,97%; 2 tuần 6,83% và 1 tháng 7,97%.