“Theo đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam sẽ ở mức 6,5-6,6%”, báo cáo Tăng trưởng kinh tế quý 4/2022 và triển vọng tăng trưởng 2023 được Ngân hàng UOB phát hành ngày 3/1 cho biết.
KINH TẾ GIẢM TỐC SAU QUÝ TĂNG ĐỘT BIẾN
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng trong năm 2023 sẽ ở các mức lần lượt là 6,7%; 6,3% và 5,8%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 8,02% đạt được trong nă 2022.
Lý do được các tổ chức này đưa ra là do nền kinh tế sẽ “ngấm” khó khăn từ những tác động từ bên ngoài khi hiệu ứng mở cửa trở lại nhạt dần, thời kỳ xuất khẩu “ngủ đông” đang đến và áp lực lạm phát gia tăng…
Phân tích dữ liệu quý 4 hàng năm, UOB nhận thấy dấu hiệu suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại. Sản lượng của ngành sản xuất trong quý 4/2022 giảm mạnh xuống mức 3,63% so với cùng kỳ, từ mức tăng 15,24% trong quý 3 năm 2022, xuống mức tăng nhỏ nhất trong năm 2022. Trong tháng 12 năm 2022, sản lượng sản xuất chỉ tăng 0,56% so với cùng kỳ, ghi nhận tháng thứ 4 có tốc độ tăng trưởng chậm lại sau khi đạt mức cao nhất là 16,23% vào tháng 8 năm 2022.
“Điều này phản ánh nhu cầu bên ngoài suy giảm khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều suy giảm ở tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12, tương ứng là -14% và -8,1% so với cùng kỳ”, báo cáo nhận định.
Ngoài ra, chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của ngành sản xuất cũng đang báo hiệu sự suy yếu trong thời gian tới khi PMI Việt Nam giảm xuống 47,4 điểm vào tháng 11/2022 từ mức 50,6 điểm vào tháng 10/2022, lần đầu tiên ghi nhận chỉ số dưới 50 điểm trong 14 tháng.
Đáng chú ý, giá tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu chịu áp lực gia tăng khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 9 năm 2022 và vượt mục tiêu 4% trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12 năm 2022, bất chấp việc triển khai các biện pháp hành chính để bù việc tăng giá.
LÃI SUẤT VÀ TỶ GIÁ TRONG QUỸ ĐẠO TĂNG
Với diễn biến bất lợi từ bên ngoài, UOB cũng như các tổ chức tài chính quốc tế khác đều cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng trong năm 2023 sẽ suy giảm do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và Châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thắt chặt chính sách trước áp lực lạm phát và đồng VND suy yếu, mặc dù nhu cầu trong nước có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng vào năm 2023 với thu nhập gia tăng và triển vọng kinh doanh được cải thiện.
Tuy vậy, theo UOB, với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Dẫu vậy, trước áp lực điều chỉnh chính sách từ ngân hàng trung ương các nước, UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023.
Về tỷ giá, đồng Việt Nam đã tăng trở lại từ mức 24.500VND/USD hồi đầu tháng 12/2022 lên mức hiện tại khoảng 23.630VND/USD. Động thái này trùng hợp với sự phục hồi của đồng CNY của Trung Quốc khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 được nới lỏng khi Trung Quốc có khả năng sẽ mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến.
Tuy các quốc gia ủng hộ Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến nhưng quỹ đạo phục hồi của quốc gia này khó có thể diễn ra suôn sẻ do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm Covid-19. Suy thoái dự kiến diễn ra ở các nền kinh tế phương Tây như Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro có khả năng làm tăng thêm những bất ổn.
“Với bối cảnh này, chúng tôi cho rằng tỷ giá tiếp tục duy trì đà tăng, đạt mức 25.200VND/USD trong quý 1/2023, 25.400VND/USD trong quý 2/2023, 25.600VND/USD trong quý 3/2023 và 25.800VND/USD trong quý 4/2023”, UOB dự báo.